Khác với “đối thủ” Boeing Co sản xuất máy bay phần lớn tại Mỹ, Airbus sử dụng khoảng 55.000 nhân công trên toàn cầu. Các “lãnh địa” chính của Airbus là ở bốn quốc gia Liên minh châu Âu là Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, cho phép họ tận dụng được tất cả những điều kiện tinh túy nhất của châu Âu, từ đó mở rộng quy mô thành một công ty quốc tế, đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không trên toàn thế giới. Airbus còn có các công ty con ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Máy bay Airbus A380 trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris khai mạc ngày 15/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong hơn 40 năm hoạt động và phát triển, Airbus đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ như cho ra đời máy bay A300 - máy bay thân rộng hai động cơ đầu tiên tạo bước ngoặt cho ngành hàng không thế giới - và máy bay chở khách lớn nhất thế giới, A380.
Những bước đi ban đầu người ta có câu “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với Airbus thì gần như họ đã đi đúng ngay từ những nước cờ đầu tiên. Vượt qua những ngày đầu gian nan (1967 - 1969), Airbus đã dần định hình hướng đi riêng của mình với việc đặt ra các tiêu chuẩn mới trong công nghệ và những thay đổi. Kết quả là, A300 - “con cưng” đầu tiên của Airbus ra đời và là chiếc máy bay thân rộng hai động cơ đầu tiên của thế giới.
Bên cạnh đó, các “điểm cộng” khác giúp máy bay Airbus lấy lòng được khách hàng phải kể đến việc lần đầu tiên họ ứng dụng công nghệ composite vào thiết kế máy bay thương mại, hay nâng độ cao sàn cabin, cho phép máy bay chở được nhiều hàng hóa hơn qua đó nâng hiệu quả kinh tế... A310 “chào đời” ngay sau đó đánh dấu cho sự khởi đầu của dòng máy bay “Gia đình Airbus”, nhẹ và tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn, giúp Airbus có thêm nhiều cảm tình của khách hàng. Bảy năm từ 1993 đến 2000 là giai đoạn Airbus đẩy mạnh sự hiện diện của mình ra phạm vi toàn cầu, khi liên tiếp thành lập các văn phòng, trung tâm huấn luyện và trung tâm phụ tùng tại khắp nơi trên thế giới, nhất là tại Bắc Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Có lẽ một trong những thời khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử hoạt động của Airbus phải kể đến những năm 2001 đến 2004. Ngay từ năm 2000, Airbus đã nhanh chóng cảm nhận được luồng gió lạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế đang dần len lỏi vào ngành hàng không. Nhưng khi đó, với khả năng nhìn trước được xu thế thị trường, Airbus vẫn khá thành công trong việc phát triển máy bay mới và công nghệ mới nhằm bắt kịp được hơi thở của thời đại.
Tuy nhiên, không ai lường trước được thảm họa ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Ngay sau thảm họa này, niềm tin doanh nghiệp, vốn đang lao đao trước tác động của khủng hoảng kinh tế, lại càng tồi tệ hơn. Lượng hành khách đi máy bay ngay lập tức “tuột dốc không phanh” với số vụ hủy chuyến bay ngày càng tăng. Hầu hết các hãng hàng không phải nhanh chóng điều chỉnh hạ mục tiêu tăng trưởng. Chấn động này đã khiến không ít hãng hàng không lớn đi đến bờ vực phá sản, trước khi ngành công nghiệp bắt đầu hồi phục dần.
Biến thách thức thành cơ hội
Những tưởng “cơn gió lạnh” này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của Airbus. Nhưng trái lại kinh tế đi xuống lại là “cơ hội vàng” đối với các hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt là tại châu Âu, khi mà rất nhiều hành khách thương gia chuyển sang lựa chọn ghế hạng phổ thông trong bối cảnh tất cả các công ty cắt giảm chi phí. Các hãng hàng không giá rẻ như easyJet đã nhìn thấy tiềm năng của dòng A320 - Gia đình, nhất là A319, rất thích hợp với đường bay ngắn của hãng. Đối với Airbus, điều này có nghĩa là chiến lược sản xuất dòng máy bay gia đình điều khiển điện tử, một lần nữa, đã được “đền đáp”.
Máy bay trực thăng quân sự Airbus Caracal H225M trưng bày tại Triển lãm công nghiệp quốc phòng quốc tế lần thứ 23 tại Ba Lan từ ngày 1 - 4/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong năm 2002, khi cuộc khủng hoảng tài chính chưa lắng dịu, Airbus nhận được 140 đơn đặt hàng A319, 78 đơn hàng A320 trong tổng số 300 đơn hàng của họ. Nhắc đến Airbus, không thể không nhắc tới đối thủ Boeing. Cuộc chiến không khoan nhượng giữa Airbus và đối thủ đến từ Mỹ được mô tả là cuộc cạnh tranh “độc quyền song mại” trong thị trường sản xuất máy bay kể từ những năm 1990. Sở dĩ nói như vậy là vì trong lịch sử ngành hàng không, luôn có các nhà sản xuất máy bay cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên qua nhiều năm, chỉ có Airbus và Boeing vươn lên dẫn đầu, đánh bật hàng loạt các đối thủ khác.
Khởi sự, Boeing thống lĩnh thị trường này trong một thời gian dài, cho đến khi bị Airbus qua mặt lần đầu tiên trong năm 2002. Tuy Airbus và Boeing cùng sản xuất các loại máy bay một lối đi và thân rộng, gồm nhiều kích cỡ và sức chứa, nhưng hiếm khi hai “ông lớn” này đối đầu trực tiếp với nhau. Trong suốt những năm 1990, cả hai đều tìm cách sản xuất ra máy bay lớn hơn mẫu Boeing 747. Airbus đã cho ra đời mẫu A380, và hơn 10 năm sau đó, Boeing cho rằng dự án này không khả thi và đã cho ra mắt thế hệ 747 thứ ba là mẫu Boeing 747 - 8. Kể từ đó, Airbus A380 và Boeing 747 - 8 chính thức được đặt vào cuộc cạnh tranh đối mặt trong các chuyến bay đường dài.
Triển lãm hàng không lớn và lâu đời nhất thế giới diễn ra tại Paris, Pháp vừa qua tiếp tục là sân đấu giữa các hãng chế tạo máy bay hàng đầu này. Hai “ông lớn” đều mang đến đây những mẫu máy bay hiện đại nhằm thu hút sự chú ý của các khách hàng lớn. Airbus A320 Neo và Boeing 737 MAX là hai dòng sản phẩm chính được kỳ vọng nhiều nhất tại triển lãm năm nay.
Năm 2015 là năm Airbus tiếp tục xây dựng thương hiệu của mình với việc nâng cao tính cạnh tranh nhằm hỗ trợ sản xuất trong tương lai. Kết quả kinh doanh mới nhất của hãng cho thấy trong quý I/2015, Airbus thu về 12,1 tỷ euro doanh thu, so với mức 12,6 tỷ euro của cùng kỳ năm 2014, chủ yếu nhờ doanh số bán máy bay A350 XWB và A380. Airbus dự đoán thị trường toàn cầu cần 32.585 máy bay, với tổng giá trị 4.900 tỷ USD, trong giai đoạn từ nay đến năm 2034.