Cuộc giải cứu tuyệt vọng ở Benghazi - Kỳ II: Đêm kinh hoàng

Lúc phát hiện ra bị tấn công nhờ theo dõi camera giám sát, đặc vụ R ngay lập tức ấn chuông báo động. Anh nhanh chóng thông báo qua hệ thống âm thanh công cộng “Có tấn công! Có tấn công! Có tấn công!”. Do các camera giám sát được lắp đặt kín đáo khắp tòa nhà nên R có thể thấy rõ mồn một quang cảnh đang diễn ra bên ngoài.

Tòa nhà của Phái đoàn đặc biệt chìm trong biển lửa.


Ngay lập tức, đặc vụ R thông báo cho các vệ sĩ của Libya, một số binh lính của Lữ đoàn 17/2 (lực lượng dân quân địa phương được thuê để bảo vệ Phái đoàn đặc biệt) chạy thoát càng nhanh càng tốt. R cũng lập tức cảnh báo đại sứ quán tại Tripoli và Lực lượng phản ứng nhanh (QRF) đóng quân ở Annex - một tiền đồn bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cách đó khoảng một dặm. Nhiệm vụ của QRF là sẵn sàng ứng phó trước những kịch bản xấu nhất ở Benghazi với ít nhất ba thành viên được vũ trang. Thông điệp của R rất ngắn gọn và khẩn trương: “Benghazi gặp nguy hiểm, khủng bố tấn công”.


Ngay khi nghe thấy chuông báo động, các đặc vụ DS (có nhiệm vụ bảo vệ các đại sứ Mỹ) lập tức lấy vũ khí và các thiết bị. Họ hiểu rằng mục tiêu của bọn khủng bố chính là đại sứ Mỹ, vì vậy họ cần phải nhanh chóng giải cứu và đưa đại sứ thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Lãnh sự quán Mỹ sau cuộc tấn công.


Đặc vụ A chạy đến chỗ đại sứ Stevens và Smith để đưa họ đến hầm trú ẩn an toàn bên trong tòa nhà. Thời gian gấp gáp đến mức không đủ để mặc quần áo hay mang theo những vật dụng cá nhân. Tuy nhiên, ông Stevens và Smith đều nhanh chóng mặc áo giáp toàn thân đã được trang bị sẵn trong phòng. Điều quan trọng nhất là làm thế nào đến được nơi trú ẩn và khóa cửa trước khi bọn khủng bố tìm thấy họ.


Đặc vụ A nghe thấy tiếng hét bên ngoài bức tường, những tiếng súng tự động vang lên bất chợt. Toàn bộ đèn trong tòa nhà đã bị tắt. Họ đã rất khó khăn để đến được hầm trú ẩn an toàn, tuy nhiên cửa thép lưới đã bị đóng và khóa. Một khi những cánh cửa này bị khóa thì chỉ có đội kỵ binh mới mở được chúng, và không ai biết khi nào đội kỵ binh sẽ đến.


Đại sứ Stevens yêu cầu đặc vụ A gọi điện đến những lãnh sự quán gần đó và đại sứ quán ở Tripoli. Stevens cũng gọi cho cả lực lượng dân quân địa phương và chỉ huy an ninh công cộng của Libya để được giúp đỡ. Không rõ lý do gì, nhưng Stevens đã không gọi cho lực lượng Shield của Libya, có lẽ ông lo sợ rằng Shield cũng nhúng tay vào vụ tấn công.


Đặc vụ C ban đầu vội vã chạy về Trung tâm điều hành chiến thuật (TOC) nhưng sau đó chuyển hướng quay trở lại chỗ của các đặc vụ để lấy các thiết bị của mình và trợ giúp cho đặc vụ D. Đây là chiến thuật khôn ngoan để các đặc vụ làm việc theo nhóm hai người. Đặc vụ B và R vẫn ở trong TOC và khóa cửa chống cháy. TOC là trung tâm an ninh đầu não của toàn bộ tòa nhà. Đây là nơi kiên cố nhất của tòa nhà nên nó chỉ có sức chứa cho hai hoặc ba người bởi nơi này được trang bị rất nhiều phương tiện thông tin liên lạc, video giám sát và các thiết bị khác dùng cho trường hợp khẩn cấp.


Đặc vụ C và D vội vã rời khỏi doanh trại, với vũ khí trong tay, họ hi vọng có thể đến được khu phía tây của tòa nhà. Họ nhìn thấy rất nhiều tay súng chạy khắp nơi và la hét với nhau bằng tiếng Arab. Khi nhận ra mình bị cô lập, họ định quay trở về doanh trại nhưng đã không kịp. Đặc vụ C báo cáo lại cho TOC tình hình của mình và đành chờ cơ hội để thoát thân.


Trong khi đó, đặc vụ R trong vai trò chỉ huy hiểu rằng bất cứ nước cờ sai lầm nào của mình đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, anh cần phải cố thủ cho đến khi lực lượng CIA toàn cầu và QRF đến. TOC sẽ giám sát trực quan bọn khủng bố và cập nhật tình hình của các đặc vụ.
Bọn khủng bố bắt đầu tấn công đồn chỉ huy của Lữ đoàn 17/2. Chúng ném lựu đạn vào bên trong và nhắm thẳng những khẩu AK47 vào cửa chính. Lữ đoàn 17/2 bị thương vong nghiêm trọng.


Đặc vụ R và B đã theo dõi toàn bộ sự việc thông qua camera giám sát. Họ đếm được 35 người tham gia vào vụ tấn công Phái đoàn đặc biệt. Những người này không phải thành viên của lực lượng khủng bố. Hầu hết những kẻ tấn công đều để râu rậm và dài. Nhiều người tin rằng những kẻ này đến từ Derna - trên bờ biển Địa Trung Hải nằm giữa Benghazi và Tobruk. Derna từng là trung tâm truyền thống của Hồi giáo thánh chiến ở Libya.


Rõ ràng, cho dù những kẻ tấn công là ai đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận rằng chúng vô cùng thông minh và kế hoạch tấn công là gần như hoàn hảo. Dường như chúng biết rõ thời gian, địa điểm và cách thức đi từ cổng vào nơi ở của đại sứ, cách thức để phân tán các đặc vụ cũng như lực lượng dân quân địa phương và Lữ đoàn 17/2 trực hôm đó. Có khả năng những kẻ tấn công đã lấy cắp được thông tin hoặc được các quan chức tham nhũng Libya tiết lộ về những yêu cầu chính thức cho việc bảo vệ đại sứ.


Những kẻ tấn công dường như biết đồn chỉ huy của Lữ đoàn 17/2 mới được lắp máy phát điện nên chúng đã đổ xăng khắp nơi để thiêu trụi tòa nhà.


Tố Quỳnh


Đón đọc kỳ cuối: Điệp vụ giải cứu bất thành

Cuộc giải cứu tuyệt vọng ở Benghazi - Kỳ I
Cuộc giải cứu tuyệt vọng ở Benghazi - Kỳ I

Những lời chỉ trích mạnh mẽ bùng nổ trong lòng dư luận Mỹ và quốc tế khi Đại sứ Mỹ tại Lybia J.Christopher Stevens bị sát hại ở thành phố Benghazi ngày 11/9/2012. Ông Stevens đã chết và rất ít người biết chính xác những gì đã xảy ra vào đêm định mệnh ấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN