Xuất thân danh giá
Karl Lagerfeld sinh ra trong một gia đình giàu có ngày 10/9/1933. Cậu bé Lagerfeld và em gái sống cùng cha mẹ làm trong ngành sản xuất sữa đóng chai ở quận Blankenese, Hamburg, Đức. Đây là quận mà giới quý tộc sinh sống trong những biệt thự lộng lẫy.
Mọi thứ thay đổi đối với Lagerfeld khi Hamburg bị dội bom tháng 7/1944 trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Gia đình Lagerfeld dọn tới nhà ở Schleswig-Holstein. Chính tại đây, ở vùng nông thôn, Lagerfeld đã sống nửa quãng đời thơ ấu. Là trẻ con thành phố giàu có, ăn mặc khác thường và để tóc dài nên Lagerfeld nổi bật giữa đám trẻ quê.
Lagerfeld khác biệt ở nhiều khía cạnh nữa. Trước khi tới trường, Lagerfeld đã học tiếng Anh và tiếng Pháp cũng như dành hàng giờ học vẽ. Cậu bé thích tới bảo tàng hơn là tới trường và lúc nào cũng bị các họa sĩ Pháp làm cho mê mẩn.
Trong bộ phim tại liệu năm 2014 mang tên "Deutschland, deine Künstler: Karl Lagerfeld" (Đức, những nghệ sĩ của bạn: Karl Lagerfeld), ông từng nói với nhà làm phim Gero von Boehm: “Tôi yêu mọi thứ liên quan tới Pháp… đó là nơi tôi muốn tới và đó là lý do tại sao tôi học tiếng Pháp khi còn nhỏ”.
Paris: Thiên đường của Lagerfeld
Dần dần, khao khát tới Paris lớn dần trong Lagerfeld. Sau khi tham gia một chương trình của Dior ở Hamburg năm 1950, ông đã có quyết định và năm 1953, ông cùng mẹ dọn tới kinh đô thời trang sinh sống.
Tại đây, Lagerfeld nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi. Khi mới 20 tuổi, Lagerfeld đã đứng đầu trong cuộc thi thời trang nhờ mẫu thiết kế áo khoác. Nhà thiết kế Yves Saint Laurent cũng tham gia cuộc thi này nhưng chỉ đứng thứ ba.
Chỉ vài năm sau, Lagerfled đã làm việc cùng những tên tuổi như Pierre Balmain và Jean Patou. Năm 1963, ông trở thành giám đốc nghệ thuật lần đầu tiên. Tại công ty thời trang Chloe, ông đã tự mình tạo ra xu hướng thời trang Total Look năm 1967, một phong cách thời gian táo bạo khi kết hợp quần áo và phụ kiện cùng màu.
Nhãn hiệu thời trang Italy Fendi ở Rome cũng bị ấn tượng bởi nhà thiết kết trẻ từ Đức và đã thuê ông làm việc giữa những năm 1960.
Tuy nhiên, Paris mới là nơi đặc biệt trong cuộc đời và di sản của Lagerfeld. Sau khi Lagerfeld qua đời ngày 19/2, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói rằng nhà thiết kế không chỉ là hiện thân của Paris mà ông ấy chính là Paris. Bà Anne Hidalgo viết trên Twitter: “Nghệ thuật của ông ấy đã mang màu sắc, hình dạng cho tình yêu, cái đẹp, những điều ngạc nhiên và những điều kỳ diệu”.
Năm 1976, Lagerfeld tạo dựng hình ảnh bảnh bao cho bản thân với mẫu quần áo nổi bật thế kỷ 18, tóc buộc đuôi ngựa và cặp kính râm thường trực. Hình ảnh đó đã trở thành thương hiệu của Lagerfeld cho tới lúc chết.
Cải tổ Chanel
Sự nghiệp của Lagerfeld chứng kiến bước ngoặt năm 1983 khi hãng thời trang cổ lỗ Chanel chỉ định ông làm giám đốc sáng tạo. Chính tại Chanel, tên tuổi của ông mới bật lên và tạo ra biểu tượng thời trang nổi tiếng suốt 30 năm cho tới tận bây giờ.
Nhà thiết kế Lagerfeld đã khiến nhãn hiệu này hiện đại hơn, đẳng cấp hơn, hấp dẫn hơn với phụ nữ trẻ khi ông kết hợp nhiều màu sắc, chất liệu vải mới và các đường cắt mới lạ. Khó ai có thể hình dung Chanel mà lại thiếu nhà thiết kế Lagerfeld.
Lagerfeld đã định hướng phong cách của Chanel hơn 30 năm, giúp doanh số của nhãn hàng Paris này đạt 10 tỷ USD năm 2017.
Tuy nhiên, Lagerfeld từng thừa nhận bà Coco Chanel, người sáng lập nhãn hiệu Chanel, có thể không ấn tượng với đường hướng mà ông đặt ra cho nhãn hiệu. Ông nói: “Điều tôi làm thì Coco sẽ ghét. Nhãn hiệu có hình ảnh và tùy vào tôi để đổi mới. Tôi làm điều mà bà ấy không bao giờ làm. Tôi đã phải đi từ cái Chanel nên hướng tới, có thể hướng tới”.
Làm việc không mệt mỏi
Tuy nhiên, Lagerfeld không dừng lại với mỗi Channel. Năm 1984, ông có nhãn hiệu của riêng mình tên là Karl Lagerfeld. Nhãn hiệu này cung cấp mọi thứ từ thời trang phụ nữ, nam giới cho tới quần áo, phụ kiện trẻ em.
Lagerfeld không chịu hài lòng với mỗi việc thiết kế quần áo và thời trang cũng không phải là tất cả với ông. Ông là một nhà sưu tập sách và là một người đam mê đọc sách. Ông cũng chụp ảnh, chạy các chiến dịch quảng cáo, làm phim ngắn cho nhiều công ty thời trang, thiết kế khách sạn khắp thế giới, thành lập một công ty xuất bản và mở phòng tranh riêng. Bản thân ông cũng không phải là người tự hài lòng với những gì mình đạt được. Ông từng nói: “Bạn có thể thú nhận mình thất bại nếu bạn chỉ thỏa mãn với thành công đã có”.
Năm 1989, bi kịch ập tới khi đối tác gần 20 năm làm cùng là Jacques de Bascher qua đời vì bệnh liên quan tới AIDS. Ông đã vùi mình vào công việc để quên đi cái chết của người cộng sự. Giai đoạn đau buồn này đã khiến Lagerfeld tăng cân và đam mê đàn ông trẻ.
Khi sang thế kỷ mới, Lagerfeld cũng bước vào một thị trường mới: ngành ăn kiêng. Ông tự hào vì đã giảm được 43kg và đã xuất bản thành sách kinh nghiệm giảm cân. Cuốn “The 3D Diet” của ông bán được hàng nghìn bản.
Năm 2004, Lagerfeld trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên hợp tác với cửa hàng quần áo đường phố cao cấp H&M. Sau đó, ông hợp tác nhiều hơn với các hãng, trong đó có việc thiết kế 3 mẫu chai cho Diet Coke, đồ uống yêu thích của ông.
Xem một chương trình trình diễn thời trang của Chanel bên bờ biển (nguồn: AFP):
Cho dù đã cao tuổi nhưng Lagerfeld tiếp tục cập nhật thay đổi trong thế giới người nổi tiếng. Ông từng hợp tác với Kim Kardashian hay ra mắt bộ sưu tập với Kaia Gerber – con gái của siêu mẫu Cindy Crawford.
Tuổi tác cũng không thể làm giảm lời ăn nói sắc như dao của ông. Đôi khi ông cũng có những quan điểm gây sốc khi công kích quyết định của Đức mở cửa cho người tị nạn Syria, chỉ trích phong trào #Metoo, hay chê phụ nữ béo.
Ở tuổi 85, ông vẫn xuất hiện tại các chương trình thời trang gần đây. Vì thế, khi ông lần đầu tiên không có mặt tại một chương trình của Chanel hồi tháng 1, đã có những đồn đoán về sức khỏe của ông.
Cái chết của ông khiến thế giới thời trang tiếc thương. Thế giới thời trang nơi mà Lagerfeld ngự trị suốt bao năm nay rất ngưỡng mộ tài năng của ông, nhưng bản thân ông lại không hề ấn tượng với di sản của mình. Ông từng nói khi bác bỏ tin đồn viết hồi ký: “Tôi chẳng có gì để nói. Tôi thực sự đang cố để đảm bảo rằng tôi sẽ không được nhớ tới”.