Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương

Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương - Kỳ 1: Người đi săn

Cuộc chiến tàu ngầm trong Đại Tây Dương là một trong những cuộc kịch chiến của hải quân trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sau này, trong hồi ký của mình, Thủ tướng Anh khi đó Winston Churchill cho biết, điều làm ông lo sợ thực sự trong Thế chiến Hai là tàu ngầm của Đức. Cuộc chiến tàu ngầm đã có thể quyết định vận mệnh của nước Anh. Nhiều sách báo đã viết và mới đây, Đài truyền hình Phoenix của Đức đã phát bộ phim tài liệu kỳ công của Andrew William dài 3 tập, trong đó phỏng vấn nhiều người còn sống sót ở cả hai bên, dựng lên một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến dữ dội này với những thiệt hại nặng nề.

Joe Instance, nguyên lính thủy tàu HMS Royal Oak.


Khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hải quân Đức Quốc xã có 57 tàu ngầm, được mệnh danh là "Sói biển", nhưng trong đó chỉ có 39 chiếc là có thể đưa vào hoạt động ở Đại Tây Dương. Đây sẽ là chiến trường chính của Đức Quốc xã chống lại nước Anh và nguồn cung ứng cho nước Anh từ Mỹ. Nhưng với ưu thế ban đầu, tàu ngầm Đức được mệnh danh là "Những người đi săn", chuyên đi tìm, diệt những tàu chở hàng cung ứng cho nước Anh, có thời gian đã đẩy nước Anh tới bên lề của cuộc khủng hoảng trầm trọng vì thiếu hàng hóa.

Tư lệnh các đơn vị tàu ngầm Đức là Đại đô đốc Karl Doenitz. Doenitz hy vọng rằng với "Chiến thuật bày sói" (Wolfsrudeltaktik) cùng với những phương pháp thông tin vô tuyến mới sẽ có thể tiến hành một hình thức chiến tranh tàu ngầm mới chống lại những đoàn tàu thương mại có tàu hộ tống để cắt đứt con đường tiếp tế chủ yếu cho nước Anh, buộc nước này phải quỳ gối quy hàng. Theo chiến thuật của Doenitz, nhiều tàu ngầm sẽ cùng nhau quây lại để đi theo và tấn công một đoàn tàu có hộ tống. Để thực hiện chiến thuật này, những tàu ngầm hoạt động trên Đại Tây Dương phải có tầm hoạt động xa. Tàu ngầm Typ VII đáp ứng được những đòi hỏi này nên đã trở thành loại tàu ngầm chủ yếu được Đức sử dụng trong cuộc chiến tranh tàu ngầm.

Một chiếc tàu trong tầm ngắm.


Trên mọi chiến trường trên thế giới, tàu ngầm đã chứng tỏ là một loại vũ khí lợi hại. Hải quân Đức cũng như hải quân Mỹ sau này thường sử dụng tàu ngầm trong các cuộc chiến tranh thương mại nhằm làm tê liệt việc cung ứng hậu cần của đối phương. Sau khi Mỹ nhảy vào tham chiến, bộ chỉ huy tàu ngầm Đức đã sửa đổi mục tiêu chiến tranh từ phong tỏa nước Anh sang chiến lược đánh đắm nhiều tàu của đối phương hơn là họ có thể sản xuất ra. Như vậy, địa điểm tác chiến đã trở thành thứ yếu và tàu ngầm Đức được triển khai tác chiến khắp mọi nơi, chỉ phụ thuộc vào khả năng kỹ thuật và cung ứng hậu cần. Thông qua những tiến bộ kỹ thuật của quân đồng minh như làm ra radar, máy định vị vô tuyến, việc giải được mật mã Enigma của Đức, việc thành lập những đoàn tàu hộ tống cũng như những ưu thế về vật chất, nên từ góc độ lịch sử, cuộc chiến tranh tàu ngầm của Đức đã bị coi là thất bại kể từ tháng 5/1943. Sau khi biết được những phát minh mới của phe đồng minh, các nước trong trục phát xít đã cố gắng thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển, nhưng đã quá muộn nên không đảo ngược được tình thế cuộc chiến, nhưng đã mang lại những thay đổi chiến lược trong hải quân, không quân và lục quân.

Các nước tiến hành chiến tranh là Anh, Pháp và Đức đã bắt đầu cuộc chiến ở nơi họ đã dừng lại trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Trong thời kỳ đầu, các tàu ngầm Đức nhận được mệnh lệnh tôn trọng Sắc lệnh Prisen trong cuộc chiến tranh thương mại, theo đó chỉ được phép đánh đắm tàu thương mại của những nước tham chiến, hoặc những tàu chở hàng đến và đi từ những nước tham chiến và chỉ sau khi đã lo cho sự an toàn của thủy thủ đoàn của tàu thương mại đó. Những trường hợp ngoại lệ là những tàu thương mại có vũ trang hoặc những tàu thương mại được tàu chiến hộ tống. Với mệnh lệnh này, phía Đức muốn tránh lôi kéo Mỹ tham gia vào cuộc chiến, một điều đã xảy ra trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất thông qua cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế. Vì vậy, các nước đồng minh phải trang bị vũ khí cho các tàu thương mại và tổ chức các đoàn tàu hộ tống.

Guenter Prien, Tư lệnh tàu ngầm U47 được đón tiếp linh đình tại Đức.


Nhưng đối với các tàu chiến thì các tàu ngầm không bị hạn chế điều gì. Tháng 10/1939, Guenter Prien, Tư lệnh tàu ngầm U47 đã cùng với con tàu của mình thâm nhập vào căn cứ hải quân Anh Scapa Flow và đánh đắm chiếc tàu chiến HMS Royal Oak. Joe Instance, nguyên lính thủy tàu HMS Royal Oak nhớ lại: "Khi nghe tiếng nổ đầu tiên, ông vùng dậy và gọi mọi người, nhưng thuyền trưởng cũng coi là bình thường nên không ra lệnh báo động. Ông chạy lên boong, đúng lúc tàu ngầm U47 phóng tiếp 2 quả ngư lôi. Quả thứ hai bắn trúng kho đạn nên tàu phát nổ. Chỉ một số ít người có thể nhảy xuống biển bơi thoát, phần lớn bị chết trong lúc còn ngái ngủ".

Vì chiến tích này, Prien được đón chào tại Đức như một người hùng và được mệnh danh là "Mãnh thú của Scapa Flow". Đích thân Adolf Hitler đã đón tiếp trọng thể Prien. Đây là dịp để Đức Quốc xã tuyên truyền về ưu thế của tàu ngầm, khi một chiếc tàu ngầm chỉ với 44 thủy thủ đã đánh đắm được một tàu chiến lớn của hải quân Hoàng gia Anh danh tiếng. Vậy nếu có cả một hạm đội tàu ngầm thì Đức sẽ có ưu thế tới mức nào. Trước đó, chiếc tàu sân bay HMS Courageous của Anh cũng đã bị tàu ngầm U29 đánh đắm tháng 9/1939. Những chiến thắng ngoạn mục của tàu ngầm Đức trước những tàu chiến lớn của Anh trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã thuyết phục được cả những người hoài nghi trong giới chỉ huy hải quân Đức về giá trị quân sự của tàu ngầm. Ngay sau đó, Đức thúc đẩy nhanh chóng việc chế tạo tàu ngầm với kế hoạch Z, theo đó mỗi tháng đóng mới từ 20 tới 25 chiếc tàu ngầm liên tục trong vòng 21 tháng.

Vũ Long (Tổng hợp theo truyền hình và báo chí Đức)

Đón đọc kỳ 2: Tàu ngầm Đức hoành hành trên đại dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN