Cuối tháng 2/1975, để chuẩn bị cho “chiến dịch lớn”, cơ quan TTX Giải phóng ở R, cử tôi xuống mặt trận Tây Ninh. Tôi được anh em chở bằng xe đạp ra Lò Gò - một ngã ba giữa đường từ Tây Ninh lên cứ và đường từ Lò Gò đi Đồng Pan - đều là đường đất đỏ badan. Lý ra, tôi phải đi bộ khoảng 40 ki lô mét, nhưng rất may là có xe tải chở hàng từ R xuống căn cứ tỉnh Tây Ninh, nên tôi đã xin đi nhờ xuống phân xã.
Vừa may được đi xe, đã gặp ngay chuyện chẳng lành là khi xe qua trảng trống đã bị địch trên núi Bà Đen phát hiện. Chúng câu pháo đuổi theo, xe phải chạy “thục mạng” vào rừng, rồi quẹo sang bên đường trốn vào khu rừng rậm để tránh địch bắn đón đường. Xe dừng gấp, lái xe hô lớn: “Mọi người chạy tản ra hai bên, núp vào những gốc cây lớn”. Tôi nhảy ào xuống suối, nấp vào một gốc cây đổ nghiêng và nghe tiếng mảnh đạn (do pháo chụp nổ trên ngọn cây rừng) rơi xuống suối “tủm, tủm” bên cạnh, may mà không ai bị thương và mọi người đều an toàn. Pháo im, chúng tôi lại lên đường.
Phóng viên, biên tập viên TTXGP thời trai trẻ đi chiến dịch năm 1974. |
Chúng tôi tới Ban tuyên huấn tỉnh Tây Ninh thì trời đã gần tối. Phân xã Tây Ninh lúc đó ở cùng Ban Tuyên huấn, tại núi Con Heo, có 3 người là: Bác Ba Tỷ, một cán bộ bị tù ở Côn Đảo, được trao trả năm 1973, Hoàng Dũng, học sinh trung học vào tham gia kháng chiến và Tư Hoạch, điện báo viên. Dù mới đến, nhưng là người từ R cử xuống và là phóng viên miền Bắc được học hành tử tế, nên tôi được tỉnh ủy Tây Ninh cho dự các buổi họp giao ban buổi sáng. Từ đây, tôi nắm được rất nhiều thông tin từ các mặt trận Suối Đá, núi Bà Đen, các huyện Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Gò Dầu... tập hợp viết tin, bài điện về R.
Vào giữa tháng 4/1975, sau các chiến thắng Tây Nguyên, Huế - Trị Thiên, tại các cuộc họp giao ban, đồng chí Hai Bình, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Tư Văn, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh) thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần tư tưởng chỉ đạo của Trung ương là: “Tất cả các tỉnh, thành, các lực lượng vũ trang đều phải đồng loạt tấn công địch theo tinh thần thần tốc, quyết thắng. Nơi nào chần chừ là có tội vì để cho địa phương, đơn vị bạn phải gánh chịu sự phản công của địch” (thực tế lúc đó không ít người vẫn còn e ngại là tình hình có thể sẽ giống như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968: quân ta tiến vào giải phóng đô thị, rồi lại phải rút ra. Họ không hiểu được tình hình, thế và lực của cách mạng lúc này đã khác trước!).
Sáng ngày 30/4, chúng tôi nhận được lệnh: Phải nhanh chóng hành quân về giải phóng Tây Ninh, tiếp quản các cơ quan của địch. Vậy là, các trang thiết bị thiết yếu như tăng, võng, mùng, mền, bi đông nước; nhất là bút, vở ghi chép, lại được xếp gọn trong ba lô “con cóc” hoặc “bòng” theo chúng tôi lên đường. Dù ở trong rừng đã lâu, người nào cũng gầy, xanh xao vì thường xuyên bị bệnh sốt rét, lương thực thiếu, thực phẩm cũng hiếm, chủ yếu là cá khô và các loại trái cây bầu, bí (vì để được lâu), nhưng khi hay tin sắp giải phóng, mọi người đều nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên và hăm hở lên đường để kịp vào tiếp quản thị xã!
Vừa ra khỏi rừng, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy hàng đoàn xe ô tô, xe tăng, các đơn vị bộ binh và các cơ quan dân chính, có cả chị em mới từ ngoài Bắc vào, quần áo, trang thiết bị còn mới, đang rẩm rầm tiến về phía Nam. Mọi người thật rạo rực, phấn khởi, vừa đi vừa chạy, mặc cho máy bay địch vẫn gầm rú trên đầu. Cũng có lúc, mọi người phải dạt ra hai bên đường ẩn nấp, nhưng hầu hết là cứ đi vì thấy máy bay địch ít ném bom, bắn phá như trước (sau này, chúng tôi mới biết, chủ yếu là máy bay chở quân rút chạy và di tản ra nước ngoài). Nếu như trước đây, chúng tôi rất lo ngại mỗi khi phải vượt qua rừng thưa, thì giờ đây, cả đoàn dài, nối đuôi nhau đi ngay trên trảng trống! Ai cũng chỉ mong sao sớm có mặt ở Sài Gòn. Tư Hoạch, điện báo viên của phân xã vừa đi mở đài phát thanh giải phóng và có lần reo to với tôi: “Họ đang đọc tin của anh viết về quân ta bao vây tấn công thị xã Tây Ninh hôm qua nè!”. Thật vui và tự hào khi mình đang đi trong đoàn quân về giải phóng Tây Ninh - Sài Gòn, giữa lúc bom vẫn nổ, đạn vẫn réo bên tai, lại được nghe tin mình viết hôm trước.
Đêm hôm đó, chúng tôi tới khu rừng thuộc huyện Dương Minh Châu, nghỉ, nấu ăn ở bên cạnh một con suối. Chưa bao giờ ban đêm, giữa chiến trường, mọi người lại dám đốt lửa to đến thế để đun nấu, mặc dù, thỉnh thoảng vẫn có những tiếng thét của một người nào đó: “Tắt lửa đi không chết cả nút bây giờ!”. Ai có radio đều mở hết cỡ để nghe tin chiến thắng, trong đó, tin vui nhất là trưa nay, TP Sài Gòn đã giải phóng. Mọi người đều cười nói rộn rã và dường như ai cũng rạo rực trong lòng như đang đón mùa xuân mới. Song, cũng có người trầm ngâm hút thuốc hoặc thút thít khóc (nhất là các chị em) khi nhớ về quê mẹ hoặc thương những đồng đội đã hy sinh không được hưởng giờ phút lịch sử này!
Mặc dù đi bộ suốt ngày, rất mệt, nhưng chúng tôi hầu như không ai ngủ được, chỉ mong sao trời chóng sáng để tiếp tục tham gia đoàn quân giải phóng thị xã Tây Ninh và Sài Gòn. Khoảng 4 giờ sáng ngày 1/5, chúng tôi thức dậy, nhanh chóng lên đường. Lúc này, tôi, anh Sáu Tâm (sau này là Tổng biên tập báo Tây Ninh) và anh Năm Thành được Ban Tuyên giáo tỉnh ưu tiên giao cho mỗi người một chiếc xe đạp để “anh em phóng viên về lấy tin cho nhanh”.
Vậy mà, đến gần trưa 1/5 chúng tôi mới tới chợ Long Hoa, huyện Tòa Thánh (nay là huyện Hòa Thành). Tại chợ Long Hoa, binh lính ngụy đang nộp súng, đạn đủ loại, chất cao như đống rạ. Thấy chúng tôi đến, anh em bộ đội ở đây phát cho chúng tôi mỗi người một khẩu súng ngắn (côn hoặc ru-lô). Tại đây, khi thấy người lớn, trẻ nhỏ đều mặc quần áo trắng, tôi ngỡ là họ mặc quần áo đó để thay cờ trắng ra hàng (!) Sau này, tôi mới biết, họ là những người theo đạo Cao Đài, tất nhiên, có cả binh lính ngụy không theo Đạo, trà trộn vào đó để tránh bị bắt. Không biết có phải vì chúng tôi mặc quần áo dân chính hay không mà được mọi người quan tâm, vây quanh hỏi han nhiều đến thế, nhất là, khi nghe tôi nói giọng Bắc. Họ hỏi tôi những câu có vẻ ngây thơ, nhưng chân thật và là những điều họ quan tâm nhất, như: “Giải phóng có bắt người dân đi cải tạo không?”, “Có bắt nữ thanh niên lấy thương binh được bỏ trong bao buộc túm lại, cô nào nhận được túi nào thì lấy người trong đó hay không?”, “Giải phóng có lấy kìm rút móng tay các cô gái không, có mở trường dạy học trở lại không?” v.v... Họ chăm chú nghe tôi trả lời và khi được giải thích cặn kẽ, ai cũng vui vẻ trở lại.
Ngay sau đó, chúng tôi tiếp tục đạp xe về thị xã Tây Ninh, cách chợ Long Hoa khoảng 5 cây số. Trên đường đi, đầy những quần áo rằn ri, giầy, mũ, cả súng đạn của lính ngụy vất ngổn ngang. Ngược chiều với chúng tôi là các đoàn xe quân sự, xe chở bộ đội, dân chính và cả xe đò chở khách nườm nượp đổ về Sài Gòn. Tới thị xã Tây Ninh, chúng tôi nghỉ tạm ở Ty thông tin của ngụy, ngay trung tâm thị xã. Cảm giác mới lạ nhất của tôi kể từ khi tới chợ Long Hoa và thị xã Tây Ninh là có rất nhiều bảng quảng cáo trên mái nhà, cạnh đường đi, về thuốc đánh răng Hynos: với một người đàn ông da đen, răng trắng tểnh, đều “tăm tắp” đang cười hết cỡ. Nghe nói: nhờ những bảng quảng cáo này nên thuốc đánh răng Hynos bán rất chạy. Tôi chạnh nhớ đến những ngày ở ngoài Bắc hàng tháng được phân phối các tuýp thuốc đánh răng Phong lan hoặc Bạc hà, thường xuyên bị khô cứng “nặn” mãi mới ra và đánh răng bị bỏng cả môi. Thật buồn!
Tin Sài Gòn giải phóng liên tục phát trên đài phát thanh. Buổi tối 1/5, nhìn về hướng Sài Gòn, thấy đèn rực sáng, chúng tôi càng rạo rực hơn. Tiếng pháo xa, gần vẫn nổ, thỉnh thoảng có tiếng nổ đanh gọn của súng M16 và cả tiếng “rẹt” của súng tiểu liên cực nhanh AR.15 của Mỹ. Chúng tôi tìm đến nhà dân xem nhờ ti vi về Sài Gòn trong ngày giải phóng.
Tôi vẫn nhớ như in, đêm đó, nằm tập thể ở sàn nhà tầng hai của Ty thông tin ngụy, khá sạch sẽ, không muỗi, vắt như ở trong rừng và dù rất mệt nhưng chúng tôi không tài nào ngủ được, không phải vì lo sợ, mà xen lẫn với mừng vui là sự hồi hộp, bâng khuâng. Ai cũng muốn hét lên để giải tỏa hết tâm trạng bức xúc của mình và chúng tôi thức nói chuyện với nhau đến sáng. Riêng tôi nghĩ, cuộc chiến đã kết thúc, ngày mai bước sang một trang mới, chúng tôi sẽ viết về hòa hợp dân tộc, đoàn kết, khắc phục chiến tranh và cùng nhau xây dựng cuộc sống mới...
Đ.V