Chân dung các ứng cử viên tổng thống Mỹ 2012

Chân dung các ứng cử viên tổng thống Mỹ 2012-Kỳ cuối: Giấc mơ Barack Obama

Trong khi cuộc đua giành tấm vé ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới vẫn chưa ngã ngũ giữa các ông Mitt Romney, Rick Santorum, Newt Gingrich và Ron Paul thì đương kim Tổng thống Barack Obama đã nắm chắc tới 99% tấm vé của đảng Dân chủ.

Tổng thống Barack Obama trong lễ nhậm chức ngày 20/1/2009.


Chiến thắng của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống 4 năm về trước đã làm rung động không riêng nước Mỹ mà toàn thế giới: Barack Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ.

Tên cúng cơm của ông Obama là Barack Hussein Obama II. Chào đời ngày 4/8/1961 tại Trung tâm Y khoa Kapionlani ở Honolulu, Hawaii, Barack Obama là con đầu lòng của cô Stanley Ann Dunham, người Anh lai Đức và Ailen và anh Barack Obama, Sr., đến từ Nyanza, Kênia. Mối tình nảy nở trong những ngày hai người theo học tại Đại học Haiwaii đã không kéo dài. Khi Barack lên 2, cha mẹ cậu bắt đầu sống ly thân và sau cùng là ly dị. Anh Barack Obama, Sr. trở về Kenya, còn cô Stanley Ann Dunham sau đó kết hôn với một người Inđônêxia. Cuộc hôn nhân không trọn vẹn của cha mẹ đã mang đến cho Barack Obama 7 người anh chị em cùng cha khác mẹ và một em gái cùng mẹ khác cha.

Tổng thống Obama hạnh phúc bên vợ con.


Năm 1967, Barack Obama theo mẹ và cha dượng chuyển đến sinh sống tại thủ đô Giacácta quê hương của cha dượng. Chưa học xong tiểu học ở Inđônêxia, năm 10 tuổi, cậu bé Barack lại trở về Mỹ, sống cùng ông bà ngoại ở Honolulu mà không có sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.

Thời đi học ở Honolulu, Barack Obama rất thích chơi bóng rổ và từng là thành viên đội bóng rổ liên trường. Thuận tay trái, nhưng “vận động viên” bóng rổ này lại thích sử dụng tay phải trong một số động tác chơi bóng.

Rời trường trung học, Obama đến Los Angeles, theo học tại trường Đại học Occidental trong 2 năm, rồi lại đến New York, theo học tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Columbia, chuyên ngành quan hệ quốc tế.

Sau khi nhận bằng cử nhân khoa học chính trị của Đại học Columbia năm 1983, Barack Obama đầu quân cho Tập đoàn Kinh doanh Quốc tế và Nhóm Nghiên cứu Quyền lợi Công cộng New York.

Ông Obama chơi bóng rổ với binh sĩ Mỹ trú đóng ở Djibouti năm 2006.


Thành phố New York chỉ giữ chân được chàng trai trẻ trong 4 năm cho đến giữa năm 1985, Barack Obama lại tới Chicago làm Giám đốc Đề án phát triển cộng đồng.

Cuối năm 1988, Barack Obama quyết định tiếp tục nghiệp đèn sách, theo học Trường Luật của Đại học Harvard danh tiếng. Với thành tích học tập xuất sắc, vào cuối năm học thứ nhất, Obama được chọn làm biên tập viên cho Tạp chí Luật Harvard và chỉ một năm sau đã thăng tiến đến chức Chủ nhiệm của tờ tạp chí này, điều hành một ban biên tập gồm 80 người. Khi đó, sự kiện một người da đen đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm của Tạp chí Luật Harvard đã khiến báo chí Mỹ tốn không ít giấy mực. Năm 1991, Obama tốt nghiệp hạng danh dự với học vị Tiến sĩ Luật và trở về Chicago làm việc.

Từ tháng 4 đến tháng 10/ 1992, Obama điều hành Project Vote ở Illinois với mục tiêu vận động từ 150.000 - 400.000 cử tri người Mỹ gốc Phi trong tiểu bang đăng ký tham gia bầu cử. Qua đó, cái tên Barack Obama đã lọt vào danh sách "40 nhân vật U 40 có ảnh hưởng nhất" trong năm 1993 do Crain's Chicago Business bình chọn.

Trong 12 năm tiếp theo (1992 - 2004), Barack Obama giảng dạy tại Trường Luật của Đại học Chicago.

Những tưởng Barack Obama sẽ gắn bó cả đời với ngành luật và nghiệp giảng viên, nhưng trong thời gian làm việc tại Đại học Chicago, ông đã bắt đầu tham gia chính trường.

Năm 1996 đánh dấu bước chân đầu tiên của Barack Obama trên chính trường nước Mỹ với việc ông đắc cử vào Thượng viện Illinois. Sau đó, ông tiếp tục tái đắc cử thêm 2 lần trong các năm 1998 và 2002 vào cơ quan lập pháp cấp bang này. Riêng năm 2000, ông chạy đua vào Hạ viện Mỹ nhưng không thành công. Tháng 1/2003, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Y tế và Dân sinh Thượng viện Illinois khi các nghị sĩ Dân chủ giành lại được thế đa số sau 10 năm để mất vào tay phe Cộng hòa. Đến tháng 10/2004, ông trúng cử vào Thượng viện Mỹ nên đã chia tay với Thượng viện Illinois.

Với chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử sơ bộ tháng 3/2004, Thượng nghị sĩ trẻ Barack Obama đã vinh được được mời đọc diễn văn tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ tại Boston, Massachusetts vào tháng 7/2004.

Trong lịch sử của Thượng viện Mỹ, Barack Obama là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm, và là người thứ ba được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu.
Tại Thượng viện, Barack Obama có chân trong nhiều ủy ban như Ủy ban Ngoại giao, Ủy ban Môi trường và Tiện ích công, Ủy ban Cựu chiến binh, Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí, Ủy ban Nội chính và Chính quyền. Ông cũng là Chủ tịch Tiểu ban châu Âu của Thượng viện.

Không dừng lại với giấc mơ ở Thượng viện, tháng 2/2007, Thượng nghị sĩ Barack Obama chính thức tuyên bố tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Một tuần trước đó, tại một cuộc họp của Ủy ban Dân chủ Toàn quốc, ông đã kêu gọi chấm dứt cung cách vận động tranh cử kiểu tập trung “đánh” vào yếu điểm của đối phương thay vì trình bày lập trường và chính sách của mình. Trong các cuộc vận động tranh cử sau đó, Barack Obama thường nhấn mạnh đến lập trường chấm dứt cuộc chiến ở Irắc, gia tăng khả năng độc lập về năng lượng và chế độ chăm sóc sức khỏe phổ quát, xem đó là ba ưu tiên hàng đầu của ông.

Ngày 4/11/2008 đã đi vào lịch sử nước Mỹ và thế giới với sự kiện Barack Obama giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, trở thành Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ và quan trọng hơn là Tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ở tuổi 47, Barack Obama cũng được xem là một trong những tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong diễn từ chiến thắng đọc trước đám đông hơn 100.000 người ở Chicago, tân Tổng thống Barack Obama tuyên bố: "Sự thay đổi đã đến với nước Mỹ”.

Một ngày trước cuộc bầu cử lịch sử, Barack Obama đón nhận một tin buồn: Bà ngoại Madelyn Dunham, người có nhiều gắn bó với ông, đã trút hơi thở cuối cùng ngày 2/11/2008 vì bệnh ung thư.

12 giờ 5 phút ngày 20/1/2009, Barack Obama chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong buổi lễ tổ chức tại Đồi Capitol trước sự chứng kiến của khoảng 1,5 triệu người.

Barack Obama đã trải qua gần hết nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên trên “con đường không rải đầy hoa hồng”, nếu không muốn nói là nhiều chông gai. “Di sản” mà người tiền nhiệm, Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush, để lại là hai cuộc chiến tranh chưa kết thúc ở Ápganixtan và Irắc, nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng, thâm hụt ngân sách hơn 1.000 tỷ USD và hình ảnh của nước Mỹ ở nước ngoài suy giảm nghiêm trọng. Ba năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama, nước Mỹ, theo đánh giá của giới phân tích, đã phần nào “thanh toán” được những tồn tại này: Cuộc chiến của Mỹ ở Irắc đã kết thúc và cái kết của cuộc chiến ở Ápganixtan đã có trong lịch trình; hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế đã có những cải thiện; riêng nền kinh tế đầu tàu thế giới tuy đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008 – 2009 song vẫn còn nhiều khó khăn.

Tự tin với những gì đã làm được và tin tưởng vào tương lai nước Mỹ, ngày 4/4/2011, Tổng thống Barack Obama chính thức tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 2.
Nỗ lực tái cử của đương kim Tổng thống đang có chiều hướng thuận lợi khi các kết quả thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ ông đang gia tăng và chủ nhân đương nhiệm của Nhà Trắng có khả năng đánh bại tất cả các đối thủ của đảng Cộng hòa.

Theo kết quả thăm dò hồi trung tuần tháng 3 của hãng tin Reuters và tổ chức Ipsos, có 50% người Mỹ tán thành những gì ông Obama đã và đang làm trên cương vị tổng thống, tăng 2% so với tháng trước; trong khi tỷ lệ không ủng hộ giảm từ 49% xuống 48%.

Về tương quan với các ứng cử viên Cộng hòa, thăm dò của tổ chức Pew cho thấy, ông Obama đủ sức đánh bại ứng cử viên số 1 là ông Mitt Romney với tỷ lệ ủng hộ 54% so với 42%, và ngăn chặn thành công ứng cử viên số 2 là Rick Santorum với tỷ lệ áp đảo 57% so với 29%. Có tới 59% và 68% cử tri Mỹ cho rằng ông Obama sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử quan trọng ngày 6/11 tới nếu ứng cử viên Cộng hòa là ông Romney hoặc ông Santorum.

Hậu phương vững chãi giúp Tổng thống Barack Obama gặt hái nhiều thành công trên con đường chính trị chính là gia đình nhỏ của ông. Ông Obama gặp vợ, bà Michelle Robinson năm 1988 khi ông đang hành nghề luật ở tại văn phòng luật sư Sidley & Austin ở Chicago. Là cố vấn cho Obama tại công ty, Robinson cùng làm việc với Obama trong các hoạt động xã hội theo nhóm. Hai người đính hôn năm 1991 và kết hôn vào tháng 10/1992. Bảy năm sau, nhà Obama vui mừng đón cô con gái đầu lòng Malia Ann và đến năm 2001 là “công chúa” thứ 2, Natasha.

Cuộc đời và sự nghiệp của Barack Obama – vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ - đã trở thành nguồn cảm hứng để xây dựng những giấc mơ cho nhiều nhiều người trẻ trên toàn thế giới, nhất là những người không thuộc chủng tộc da trắng.

Minh Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN