Lý thuyết trôi dạt lục địa được Alfred Wegener đưa ra lần đầu tiên năm 1912 và tồn tại cho đến khi nó được thay thế bởi lý thuyết kiến tạo mảng.
Trước khi có nhiều bằng chứng địa lý học thu thập được, giả thuyết về sự trôi dạt của các lục địa đã từng gây ra tranh cãi nảy lửa giữa các nhà khoa học.
Thuyết trôi dạt lục địa - những tranh cãi
Khi nhìn kỹ vào bản đồ thế giới, chúng ta sẽ thấy lục địa châu Mỹ và châu Phi tuy xa cách nhau nhưng hai bờ biển lại mang một dáng vẻ như là một mảnh giấy bị tách đôi, có thể gắn lại khít khao?
Nhà khoa học Alfred Wegener được in hình lên tem giấy. |
Alfred Wegener - nhà khoa học người Đức khi nhìn thấy hai châu Mỹ và Phi, đã tưởng tượng là nếu ông bỏ đi Đại Tây Dương, đem hai châu lại gần nhau, thì giống như tấm tranh nhiều mảnh nhỏ, hai mảnh đại lục này nằm sát bên nhau vừa vặn.
Dựa vào những quan sát cặn kẽ, Wegener nhận thấy rằng cỏ cây, xương hóa thạch ở hai bên lục địa châu Phi và châu Mỹ đều giống nhau. Điều đó chứng tỏ là ngày xưa, hai lục địa này là một, bởi thế mới có hiện tượng có những cây cỏ, xương thú hóa thạch giống nhau. Ngày 6/1/1912, Wegener lần đầu tiên đưa ra lý thuyết trôi dạt lục địa trong đó mô tả sự chuyển động của các mảng lục địa lớn khắp bề mặt hành tinh. Các lục địa di chuyển với tốc độ rất chậm. Giống như các mẩu của đồ chơi xếp hình, chúng gắn với nhau theo chiều này, rồi lại tách ra và chập vào ở chỗ khác, tạo nên các đại dương và lục địa lớn có kích cỡ khác nhau.
Tuy nhiên, đa số các nhà khoa học đã không tin giả thuyết này của Wegener. Một câu hỏi đặt ra cho họ là sức mạnh thiên nhiên nào có thể di chuyển cả một lục địa? Wegener đã không thể giải thích được điều này và chứng minh của ông đã không đứng vững được cho đến khi ông qua đời vào năm 1930.
Và sự ra đời của Thuyết kiến tạo mảng
Năm 1947, một nhóm các nhà khoa học đứng đầu là Maurice Ewing, sử dụng tàu nghiên cứu Atlatis của Viện Hải dương học Woods Hole và một loạt các thiết bị đã xác nhận sự tồn tại của đới nâng trung tâm Đại dương và nhận thấy bên dưới các lớp trầm tích dưới đáy đại dương được cấu tạo bởi bazan chứ không phải granit (granit là thành phần chính cấu tạo nên vỏ lục địa). Các phát hiện này đã đặt ra nhiều câu hỏi và tranh luận về thuyết trôi dạt lục địa.
Đầu năm 1950, các nhà khoa học, trong đó có Harry Hess Victor Vacquier đã sử dụng các thiết bị từ (từ kế) đã ghi nhận được các thay đổi của từ trường dọc theo đáy đại dương.
Chứng cứ đầu tiên cho thấy các mảng thạch quyển di chuyển xuất hiện cùng với sự phát hiện về hướng từ trường biến đổi trong các tầng đá có tuổi khác nhau, lần đầu tiên được nêu ra trong hội nghị ở Tasmania năm 1956. Đầu tiên nó được học thuyết hóa thành thuyết vỏ Trái Đất giãn rộng, sự hợp tác nghiên cứu sau đó đã phát triển nó thành học thuyết kiến tạo mảng, và giải thích rằng sự tách giãn như là kết quả của sự trồi lên của các loại đá mới, nhưng không làm cho Trái Đất giãn nở thêm bởi sự có mặt của các đới hút chìm và các đứt gãy tịnh tiến bảo toàn. Đây cũng là thời điểm mà học thuyết của Wegener được các nhà khoa học chấp nhận về mặt tổng quát. Các công trình bổ sung về sự liên đới của tách giãn đáy đại dương và đảo cực từ trường do Harry Hess và Ron G. Mason thực hiện đã xác định được cơ chế chính xác để giải thích cho sự trồi lên của các tầng đá mới.
Khi các kiểu mẫu từ này được lập bản đồ cho một khu vực rộng, đáy đại dương chỉ ra một kiểu giống như vằn của ngựa vằn. Các dải đá nhiễm từ khác nhau xen kẽ nhau chạy song song ở cả hai phía của sống núi giữa đại dương: một dải có cực từ bình thường và xen với một dải có cực từ bị đảo ngược. Kiểu tổng thể, được xác định bằng các dải xen kẽ này với đá phân cực từ bình thường và nghịch đảo, gọi là vằn từ.
Sau sự công nhận các dị thường từ gồm các dải từ hóa tương tự chạy song song và đối xứng trên đáy biển ở cả hai phía của sống núi giữa đại dương, kiến tạo mảng nhanh chóng được chấp nhận rộng rãi. Các tiến bộ đồng thời trong công nghệ chụp ảnh địa chấn thời kỳ đầu, cùng với các quan sát địa chất khác đã làm cho kiến tạo mảng trở thành học thuyết có sức mạnh phi thường về dự đoán và giải thích hợp lý.
Học thuyết kiến tạo mảng được phát triển vào cuối thập niên 1960 và được hầu hết các nhà khoa học trong các ngành khoa học Trái Đất chấp nhận. Học thuyết góp phần phát triển các khoa học Trái đất, giải thích các hiện tượng địa chất và những ảnh hưởng của nó đến đối với các nghiên cứu về cổ địa lý học và cổ sinh học.
Do trình độ khoa học lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế nên thuyết trôi dạt lục địa của Alfred Wegener còn thiếu sự kết hợp bổ trợ thích hợp của động lực học vật lý và trái ngược với những lý thuyết chính thống. Nhưng sau 30 năm, lý thuyết "cấu tạo địa tầng học" đã đến được toàn thế giới. Sự đúng đắn trong lý thuyết của Alfred Wegener đã được chứng minh.