5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai (Tiếp theo và hết)

3. Các loại vũ khí không gian


Bất chấp áp lực quốc tế phản đối việc vũ khí hóa không gian, các nước lớn tiếp tục khám phá công nghệ có thể biến bầu trời thành chiến trường. Khả năng phát triển những vũ khí loại này là vô hạn, từ bệ phóng tên lửa triển khai trên mặt trăng cho đến hệ thống chặn bắt và đổi hướng các tiểu hành tinh tới một mục tiêu trên mặt đất.

 

Cùng với những đột phá của khoa học công nghệ hiện đại, các loại vũ khí không gian chắc chắn sẽ có tác động lớn đối với bản chất của chiến tranh trong tương lai.


Trong tương lai, các tàu vũ trụ không gian có thể sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc xung điện từ phi hạt nhân (EMP). Như vậy, bằng cách gây nổ vũ khí EMP gắn trên vệ tinh, một bên tham chiến sẽ mở đầu vụ tấn công phá hủy mạng lưới điện tử, vệ tinh, hệ thống chỉ huy kiểm soát, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát vốn rất cần thiết cho các hoạt động quân sự của đối phương. Tùy thuộc vào kích cỡ của loại vũ khí EMP được sử dụng, cuộc tấn công có thể làm tê liệt cả một quốc gia, thậm chí là cả một khu vực. “Cú đòn chí tử” như vậy có thể ngay lập tức chấm dứt một cuộc chiến tranh trước khi một viên đạn được bắn ra.


Ngoài ra, vũ khí EMP bắn từ các bệ phóng dưới mặt đất hoặc không qua hệ thống vệ tinh rất dễ bị đánh chặn hoặc tấn công phủ đầu, nhưng vũ khí EMP gắn trên vệ tinh có thể vượt ra ngoài tầm với của hầu hết hệ thống tên lửa phòng không các nước, trừ một vài quốc gia có khả năng chống vệ tinh như Nga, Mỹ...


Một công nghệ khác rất được quan tâm và đã được cảnh báo từ vài thập kỷ qua là việc sử dụng vũ khí laser năng lượng cao, triển khai ngoài không gian để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương - hay còn gọi là BPI. Ưu điểm của BPI là có khả năng vô hiệu hóa một tên lửa đạn đạo tại giai đoạn nó có tốc độ bay chậm nhất, do đó xác suất đánh chặn thành công sẽ cao hơn.


Không giống như các hệ thống phòng thủ chiến trường đang được sử dụng cho BPI (ví dụ như Aegis) phải được triển khai gần lãnh thổ đối phương, hệ thống laser triển khai trong không gian, như đã nói ở trên, hoạt động ở độ cao vượt ra ngoài tầm với của tên lửa phòng không nhiều quốc gia.


4. Súng điện từ


Mỹ đã phát triển loại súng này từ năm 2005 và bắt đầu thử nghiệm mẫu súng điện từ do BAE Systems thiết kế năm 2012. Ngoài ra, một công ty khác là General Atomics cũng tham gia vào lĩnh vực này. Súng điện từ không sử dụng vật liệu cháy nổ để đẩy đầu đạn. Tuy nhiên, nhờ từ trường mà loại súng này có thể đẩy các đầu đạn có khối lượng cực lớn đi xa với vận tốc 4.500 - 5.600 m/phút. Tầm bắn của súng điện từ cũng đạt từ 320 - 400 km.

 

Tốc độ cao và tầm bắn xa của súng điện từ mang lại một số lợi ích cả trong tấn công và phòng ngự, từ tấn công chính xác các hệ thống phòng ngự tiên tiến nhất cho đến phòng không chống lại các mục tiêu đang bay đến. Một lợi thế khác của công nghệ này là không còn phải lưu trữ các loại chất nổ nguy hiểm và các vật liệu dễ cháy cần thiết khác để phóng các quả đạn thông thường.


Về nguyên lý hoạt động, đây là vũ khí sử dụng năng lượng điện tử thay vì thuốc súng để phá hủy mục tiêu bằng động năng thay vì bằng chất nổ. Nó hoạt động bằng cách gửi đi những dòng điện tạo ra lực từ trường đủ mạnh để bắn đạn với tốc độ cao hơn so với những loại sử dụng thuốc súng. Nhờ khả năng này, nó cho phép những con tàu bắn sâu vào lãnh thổ của đối phương trong khi vẫn có thể neo đậu ở nơi an toàn. Vì không cần thuốc súng nên những khẩu đại bác này an toàn hơn và không tốn diện tích vận chuyển. Hải quân Mỹ hiện đang thử nghiệm và hy vọng sẽ sử dụng súng điện từ vào năm 2018.


Trung Quốc cũng được cho là đang chế tạo loại súng này với phiên bản riêng của mình. Những hình ảnh vệ tinh chụp năm 2010 cho thấy các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành tại một đơn vị pháo binh gần Baotou ở khu tự trị Nội Mông.


5. Áo siêu tàng hình


Nguyên lý tàng hình của loại áo này là uốn cong các sóng ánh sáng xung quanh. Ý nghĩa quân sự của áo tàng hình là cho phép các lực lượng đặc biệt thực hiện những cuộc tấn công vào ban ngày trên lãnh thổ đối phương mà không bị phát hiện, hoặc ít nhất là cung cấp cho họ thêm thời gian để nắm quyền chủ động, như vậy sẽ làm giảm nguy cơ thương vong trong các chiến dịch quân sự. Người sử dụng áo siêu tàng hình cũng có thể dễ dàng đột nhập và phá hủy các mục tiêu quan trọng hoặc ám sát một nhân vật được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt.

 


Công nghệ này còn có thể áp dụng cho máy bay tàng hình, tàu ngầm và nhiều loại vũ khí khí tài khác để làm “mù” đối phương. Quân đội Mỹ và Canada đang tài trợ cho dự án phát triển áo siêu tàng hình. Tất nhiên, công nghệ này cũng sẽ rất nguy hiểm nếu nó rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Công Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN