Dự đoán về các loại vũ khí sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với cục diện chiến tranh trong tương lai là một điều rất khó khăn, bởi bản chất của chiến tranh luôn luôn vận động và liên tục biến đổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra một danh sách các loại vũ khí mà hầu hết trong số đó đang được phát triển và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi có thể thay đổi bản chất của một cuộc chiến.
1. Máy bay không người lái “cảm biến”
Có lẽ sự phát triển quan trọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng trong thập kỷ qua là sự xuất hiện của các phương tiện bay không người lái (UAV). Khi công nghệ phát triển, những chiếc máy bay không người lái sẽ nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của con người và nó khiến một số nhà bình luận cho rằng UAV có thể một ngày nào đó sẽ khiến phi công trở nên lỗi thời.
Tuy nhiên, những UAV hiện nay, từ loại mang bom trong các tàu ngầm mini, từ loại trực thăng giám sát trên tàu chiến đến các máy bay thực hiện nhiệm vụ ám sát ở vị trí cao hơn cũng không thể tự di chuyển và phần lớn đều cần có sự can thiệp của con người. Không chỉ được điều khiển từ xa (mặc dù tính tự động hóa ngày càng cao) mà nó còn phải chịu sự giám sát của con người, ví dụ như việc phát hiện mục tiêu và quyết định phóng tên lửa Hellfire vào mục tiêu đó.
Điều này có thể sớm thay đổi khi các nhà khoa học làm cho các UAV có “trí tuệ” nhân tạo, giúp chúng có thể hoạt động độc lập hơn và một ngày nào đó có thể mở ra cánh cửa cho các máy bay không người lái tự chủ ra “các quyết định” có ý nghĩa sinh tử. Tất nhiên, những thiết bị không người lái hay robot nói chung không thể thông minh theo nghĩa giống như con người và cũng không thể có cảm giác như con người. Nhưng những tiến bộ trong khả năng tính toán sẽ cho phép UAV nhận thức được tình huống và có khả năng thích ứng cao hơn. Khi tiếp tục được cải thiện, những chiếc UAV một ngày nào đó có thể trở thành thứ vũ khí “bắn và quên”. Và khi đó, chúng có thể chiếm ưu thế trong các cuộc đối đầu.
2. Tên lửa hành trình siêu thanh
Nếu tên lửa hành trình siêu thanh xuất hiện trong những năm 1990, Mỹ có thể đã tiêu diệt trùm khủng bố Al Qaeda Osama bin Laden sớm hơn và việc này sẽ được thực hiện tại Afghanistan chứ không phải là ở Pakistan.
Với sức công phá của đầu đạn hạt nhân cùng với khả năng tấn công chính xác các mục tiêu ở một khoảng cách xa hàng nghìn km, tên lửa hành trình cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến chiến tranh hiện đại. Nhưng trong giai đoạn mà trong một phút có thể chuyển bại thành thắng, tên lửa đạn đạo vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ, phải mất 80 phút để một quả tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) phóng từ tàu chiến Mỹ ở biển Arập tấn công các trại huấn luyện của Al Qaeda tại Afghanistan năm 1998, sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Nếu sử dụng tên lửa siêu thanh bay ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), nhiệm vụ trên chỉ mất khoảng 12 phút để bay tới mục tiêu.
Việc hướng tới khả năng tấn công ở bất cứ nơi nào trên thế giới một cách nhanh chóng đã cho ra đời một chương trình gọi là "Tấn công chớp nhoáng trên toàn cầu" mà quân đội Mỹ bắt đầu phát triển từ năm 2001. Những nỗ lực ban đầu của Mỹ tập trung vào thiết bị tên lửa siêu thanh có tên gọi X-51A do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) và Cơ quan thiết kế thuộc Sở Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp (DARPA) cùng hợp tác nghiên cứu.
Được nhà sản xuất Boeing và Pratt Whitney cùng phối hợp chế tạo, tên lửa siêu thanh X-51A được trang bị động cơ chạy bằng hydrocarbon JP-7, có tốc độ bay thiết kế lên đến Mach 6 - 6,5 (gấp từ 6 đến 6,5 lần tốc độ âm thanh).
Sau ba lần thử nghiệm thất bại, đầu tháng 5/2013, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa X-51A Waverider. Tên lửa này đã đạt đến vận tốc Mach 5,1 trong lần bay thử nghiệm cuối trên Thái Bình Dương. Sau cuộc thử nghiệm thành công này, Mỹ đã thực hiện một bước đột phá lớn trong công nghệ tên lửa siêu tốc độ. Một số chuyên gia tin rằng, công nghệ này thực sự là công nghệ mang tính cách mạng. Nếu công nghệ mới này được sử dụng thành thục, các cuộc tấn công trên toàn cầu của Mỹ sẽ đạt được bước nhảy vọt quan trọng, đồng thời có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống vũ khí cũng như phương thức phòng thủ tấn công hiện nay.
Hiện Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã có những bước tiến trong việc phát triển công nghệ trên, khiến một số nhà phân tích quốc phòng cảnh báo về sự xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang tấn công toàn cầu đang xuất hiện.
Loại tên lửa X-51A Waverider của Mỹ đạt được tốc độ 6.000 km/giờ, nhanh hơn nhiều so với các tên lửa Tomahawk hiện nay, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác trên khắp trái đất chỉ trong 1 giờ và làm lu mờ hệ thống phòng thủ truyền thống. Có thể sự ra đời của vũ khí siêu tốc độ này sẽ mở ra một công nghệ phòng thủ chiến thuật mới.
(Còn tiếp)
Công Thuận (Theo N.I)