Máy bay tất nhiên phải hạ cánh trên đường băng. Thế nhưng trong những trường hợp hy hữu dưới đây, đường băng cho máy bay tiếp đất lại vô cùng đặc biệt. Đó là những đường băng tử thần, nó có thể cướp đi sinh mạng của cả phi hành đoàn và hành khách trong tích tắc.
Khi đường băng là... rừng nhiệt đới
Ngày 3/9/1989 là một ngày dài đối với các thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 737, chuyến bay 254 của hãng hàng không của Braxin Varig.
Chiếc Airbus A300 gần như mất khả năng điều khiển xuống sân bay quốc tế Bátđa hôm 22/11/2003 sau khi trúng một quả tên lửa vác vai. |
Máy bay cất cánh từ thành phố Sao Paulo vào buổi sáng và bay theo hướng bắc gần hết chiều dài đất nước Braxin, với 6 điểm dừng chân trên hành trình. Sự cố bắt đầu khi họ đến Maraba, cách điểm đến cuối cùng là thành phố Belem khoảng 320 km về phía nam. Vào lúc 5 giờ 30 phút chiều, khi họ chuẩn bị cất cánh bay tiếp, cơ trưởng Cesar Garcez liếc nhìn kế hoạch bay và nhận thấy lộ trình đến Belem là “0270”. Điều đó có nghĩa họ phải bay theo hướng 027.0 độ bắc - đông bắc. Tuy nhiên, Garcez hiểu nhầm là 270 độ đúng hướng tây, vào khu rừng rậm của bang Mato Grosso.
Đến lúc hai thành viên phi hành đoàn phát hiện ra sai sót này - lái phụ của Garcez, Nilson de Souza Zille - vẫn chấp nhận lộ trình của cơ trưởng bởi họ còn quá ít nhiên liệu. Lúc 8 giờ 40 phút, quá hai tiếng so với thời gian phải đến được Belem, Garcez gọi cho đài kiểm soát không lưu để thông báo rằng anh sẽ hạ cánh xuống một khu rừng nhiệt đới, dù chưa biết khu rừng đó ở đâu.
Khu rừng rậm của bang Mato Grosso. |
Garcez tiếp tục bay cho đến khi cạn sạch nhiên liệu, bởi anh muốn hạ cánh mà ít có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn nhất. Cuối cùng, khi tiếng động cơ nhỏ dần, Garcez mới hãm đà lao của máy bay. Anh chỉ có thể phát hiện ra đường chân trời nhờ vào luồng ánh sáng của đám cháy ở phía xa. Không có đèn trong khoang lái, anh cố gắng điều khiển chiếc Boeing 737 lao xuống những ngọn cây có độ cao bằng tòa nhà 18 tầng của cánh rừng nhiệt đới. 13 người chết, 41 người đã may mắn sống sót sau vụ hạ cánh có một không hai này.
Hạ cánh giữa bãi mìn
Cú tiếp đất an toàn của chiếc Airbus A300 gần như mất khả năng điều khiển xuống sân bay quốc tế Bátđa hôm 22/11/2003 - sau khi trúng một quả tên lửa vác vai - xứng đáng được coi là cú hạ cánh khẩn cấp xuất sắc nhất mọi thời đại. Đang thực hiện chuyến bay vận tải hàng hóa cho công ty DHL thì chiếc A300 bị mất tất cả ba hệ thống thủy lực chỉ trong vòng một phút, trong khi bị trúng một quả tên lửa ở độ cao 2.438 m. Máy bay cũng bị rò rỉ nhiên liệu và bốc cháy.
Ngay lúc các hệ thống điều khiển bay ngừng hoạt động, chiếc Airbus A300 bắt đầu bay chòng chành và nghiêng sang trái, rồi lại sang phải một góc đến 30 độ. Ngay lập tức, Rofail, kỹ sư phụ trách kỹ thuật, thả càng máy bay, giúp làm giảm tốc độ và lấy lại thăng bằng cho máy bay. Chỉ mất 10 phút cho các phi công thể hiện kỹ thuật điều khiển máy bay bằng phương pháp điều hướng lực đẩy và họ quyết định quay trở lại Bátđa. Cú hạ cánh này không thành. Họ lại nâng máy bay lên cao và chọn đường băng khác để hạ cánh. Lần này, họ tiếp đất thành công, dù rằng máy bay bị trượt ra khỏi đường băng và lao vào đống đất gần đó. Một điều rất may mắn là chiếc máy bay không hề chạm phải một quả mìn nào khi nơi mà nó hạ cánh chính là một bãi mìn khổng lồ.
“Lưới” dây điện “tiếp” phi cơ
Vào cuối một buổi chiều tháng 6/1993, phi công Edward Wyer điều khiển chiếc máy bay Piper Navajo loại tám chỗ ngồi cất cánh từ thành phố Birmingham đi thành phố Norwich, Vương quốc Anh, một địa điểm nằm cách đó khoảng 208 km về phía đông.
Khi còn cách Norwich khoảng 64 km về phía tây, Wyer giảm dần tốc độ và bắt đầu hạ thấp độ cao. Đột nhiên có một tiếng nổ lớn, chiếc máy bay rung lên bần bật và cả hai động cơ đều im bặt.
Thực chất, động cơ bên phải bị rơi theo chiều xé từ viền ngoài và rụng khỏi máy bay. Nó bị gãy một trong ba cánh quạt, và tình trạng mất cân bằng lớn khi quay đã khiến động cơ bị văng ra. Bị văng với lực vô cùng lớn xuyên qua mũi máy bay, nó bay vòng sang phía bên kia vào bị hút vào cánh quạt của động cơ trái, làm hỏng nốt động cơ đó.
Trong khi đó, việc mất cân bằng đột ngột khiến máy bay quay một vòng sang bên phải. Wyer cố gắng lấy lại thăng bằng sau hai lần lộn nhào. Mặc dù đã cố gắng hết sức để đạt được một góc lượn hợp lý, nhưng anh không làm được gì, thay vì một cú hạ cánh đột ngột với vận tốc 240 km/giờ và máy bay bắt đầu chao đảo với tốc độ không thể kiểm soát được.
Trong khi chiếc máy bay lao xuống với tốc độ nhanh, Wyer trông thấy một cánh đồng trống trải ở bên trái. Không một chút do dự, anh đánh lái về hướng đó, cho dù việc hạ cánh trở nên phức tạp do những đường dây tải điện chăng chằng chịt trước mặt. Anh phải dùng cả hai bàn tay tì vào cần lái và sức mạnh toàn thân để điều khiển máy bay. Chiếc máy bay lướt trên những sợi dây điện và hạ cánh bằng bụng. Cú hạ cánh nhẹ nhàng không tưởng đến mức chỉ có duy nhất một người trên máy bay bị thương ở phần cổ.
Khánh Chi (tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Cơ trưởng làm “diễn viên” xiếc