Dẫn một thông báo từ Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp, đài Sputnik đưa tin vụ phóng M51.3 được thực hiện từ một cơ sở thử nghiệm trên đất liền ở Biscarrosse, Tây Nam nước Pháp. Tên lửa đã hoàn thành chuyến bay thành công trước khi lao xuống một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Đại Tây Dương, cách bờ biển vài trăm km.
Bộ khẳng định: “Chúng tôi thử nghiệm tên lửa, tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế của Pháp. Vụ phóng nằm trong chương trình phát triển tên lửa M51, một lần nữa chứng tỏ sự xuất sắc của công nghệ cao trong lĩnh vực này”.
Dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm M51 có nguồn gốc từ những năm 1980 và lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010, thay thế tên lửa đạn đạo M45 trước đó được sử dụng trong các tàu ngầm lớp Triomphant của Hải quân Pháp.
Tên lửa nhiên liệu rắn ba giai đoạn được thiết kế để mang tới 10 đầu đạn nhiệt hạch có khả năng nhắm các mục tiêu độc lập, với sức công phá lên tới 110 kiloton mỗi đầu đạn. Để so sánh, quả bom hạt nhân của Mỹ san bằng phần lớn thành phố Hiroshima của Nhật Bản và giết chết tới 126.000 người có sức công phá chỉ 16 kiloton. Mỗi chiếc trong số 4 tàu ngầm lớp Triomphant của Pháp có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo phóng thẳng đứng, mang lại cho đất nước hình lục lăng này đủ hỏa lực hạt nhân để tiêu diệt một quốc gia lớn trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Từ năm 2006, Pháp đã thực hiện 12 vụ phóng thử tên lửa M51, trong đó có 11 vụ thành công. Dự án phát triển biến thể tên lửa M51.3 nâng cấp bắt đầu vào năm 2014. Mẫu mới, dự kiến tăng tầm bắn của tên lửa thêm vài trăm km so với tầm bắn ước tính hiện tại là 8.000-10.000 km, được cho là cũng có các đặc điểm mới giúp đầu đạn xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
M51.3 dự kiến được đưa vào sử dụng bắt đầu từ năm 2025 và trang bị trên tàu lớp Triomphant và lớp kế nhiệm Sous-Marine Nucleaire Lanceur d'Engins de Troisieme Generation (tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân thế hệ thứ ba) làm nhiệm vụ thay thế các tàu ngầm hiện tại vào năm 2035.
Pháp trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phát triển năng lực răn đe hạt nhân, thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên vào ngày 13/2/1960 tại bãi thử Reggane ở Algeria, hai năm trước khi quốc gia Bắc Phi này giành được độc lập. Giữa những năm 1950, chính phủ Pháp lần đầu tiên ký kết việc thành lập một chương trình vũ khí hạt nhân. Nhà chính trị gia trở thành anh hùng trong Thế chiến thứ hai Charles de Gaulle đã là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho nỗ lực xây dựng lực lượng hạt nhân độc lập của Pháp sau khi trở thành tổng thống vào năm 1958.
Ngay từ đầu, Paris luôn tìm cách đảm bảo một lực lượng hạt nhân độc lập tách biệt với Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng răn đe của Pháp bao gồm các thành phần trên bộ, trên biển và trên không, với nhiệm vụ được giao hoàn toàn cho Hải quân vào những năm 1990.
“Pháp là thành viên của NATO nhưng nhờ Tướng De Gaulle, chúng tôi đã duy trì sự phụ thuộc tối thiểu vào NATO về vấn đề vũ khí hạt nhân”, Đại tá Jacques Hogard, một cựu chiến binh 26 năm của quân đội Pháp trả lời phỏng vấn Sputnik.
Trọng tâm trong học thuyết hạt nhân của Pháp là không để phụ thuộc vào sự bao bọc của Mỹ.
Tiến sĩ Alessandro Politi, một chuyên gia chính trị và địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Italy với hơn 30 năm kinh nghiệm nói với Sputnik rằng mặc dù lực lượng răn đe của Pháp có tuổi đời tương đương với Anh song về tính phụ thuộc vào Mỹ thì nhỏ hơn nhiều.
“Ngay từ đầu, người Pháp đã khẳng định rằng biện pháp răn đe của họ mang tính quốc gia, cả về học thuyết lẫn thực tiễn. Về học thuyết, bởi vì họ không tin rằng có thể mở rộng khả năng răn đe đó sang các nước khác. Paris không tin bất kỳ một quốc gia nào sẽ mạo hiểm người dân nước mình để cứu người dân nước khác, bất kể các cam kết liên minh. Đó là niềm tin từ trước đến nay của Pháp. Năng lực răn đe chỉ đáng tin cậy khi nó mang tính quốc gia”, nhà quan sát nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, tàu ngầm là loại phương tiện có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân khó bị theo dõi nhất trong các lực lượng răn đe. Các công nghệ hiện đại vẫn chưa được tạo ra để xác định và vô hiệu hóa chính xác các tàu ngầm hạt nhân ẩn nấp trong đại dương. Tuy nhiên, theo thời gian, các tàu ngầm cũng sẽ sớm bị phát hiện. Chính vì vậy, Pháp cần tạo ra một thế hệ nền tảng tấn công mới tân tiến hơn để duy trì khả năng răn đe trong một thế giới ngày càng phức tạp.