Xe tăng K2 Black Panther do Hàn Quốc sản xuất. Ảnh: National Interest
Ba Lan tăng tốc tái vũ trang giữa nguy cơ chiến sự lan rộng
Ba Lan đã hoàn tất thỏa thuận mua lô xe tăng thứ hai gồm 180 xe tăng của Hàn Quốc theo thỏa thuận năm 2022, theo đó Warsaw sẽ tăng cường kho vũ khí của mình với gần 1.000 xe bọc thép.
Theo trang CNN, thỏa thuận này nhấn mạnh sự trỗi dậy của Ba Lan như một lực lượng quân sự đáng kể của châu Âu, cũng như vị thế của Hàn Quốc như một nhà cung cấp vũ khí lớn - đặc biệt là cho các đồng minh của Mỹ khi các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí của Mỹ.
Thỏa thuận trên diễn ra trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine, một số cuộc tấn công đã diễn ra trong phạm vi 160km tính từ lãnh thổ Ba Lan trên biên giới phía tây Ukraine.
Warsaw đã tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, mua sắm vũ khí mới đồng thời hỗ trợ Kiev phòng thủ. Là một thành viên NATO giáp biên giới với Ukraine, Warsaw được coi là một phần trong tuyến phòng thủ đầu tiên của liên minh.
Bộ Quốc phòng Ba Lan đã công bố về thỏa thuận xe tăng, văn bản vẫn cần được chính thức ký kết, trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X hồi đầu tháng này. Bộ này đưa ra mức giá trị hợp đồng là 6,7 tỷ USD và cho biết thỏa thuận còn bao gồm 80 xe hỗ trợ, đạn dược, các gói hậu cần và huấn luyện cho quân đội Ba Lan.
Bước tiến công nghiệp quân sự của Hàn Quốc
Thỏa thuận mua xe tăng chiến đấu chủ lực K2, được coi là một trong những xe tăng mạnh nhất thế giới, bao gồm các đơn vị sẽ được sản xuất tại Hàn Quốc bởi tập đoàn quốc phòng khổng lồ Hyundai Rotem và việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Ba Lan cho một biến thể của Ba Lan, K2PL, theo Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA), cơ quan giám sát hoạt động bán vũ khí cho nước ngoài của Seoul.
Một khẩu pháo tự hành K9 Thunder tham gia lễ duyệt binh Ngày Lực lượng Vũ trang tại Warsaw, Ba Lan, vào 15/8/2023. Ảnh: Bloomberg/Getty Images
Bài đăng trên X của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết 60 trong số 180 xe tăng sẽ được sản xuất tại Ba Lan. 30 chiếc xe tăng đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất trong hợp đồng mới dự kiến sẽ được chuyển đến Ba Lan vào năm tới.
Năm 2022, hai nước đã ký một thỏa thuận để Ba Lan mua 180 xe tăng K2. Hyundai Rotem cho biết, gần 45 chiếc trong số đó đã được giao, số còn lại dự kiến sẽ đến Ba Lan vào cuối năm nay.
Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết thỏa thuận này được coi là thỏa thuận quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc ở nước ngoài. Thỏa thuận bao gồm tổng cộng 980 xe tăng K2, 648 pháo tự hành K9 và 48 máy bay chiến đấu FA-50.
Hàn Quốc đã gửi 174 khẩu pháo K9 đến Ba Lan theo khuôn khổ hợp đồng năm 2022, theo nhà thầu Hanwha Aerospace. Hanwha cho biết đợt chuyển giao thứ hai gồm 152 khẩu K9 đang được tiến hành. Trong khi đó, theo nhà sản xuất Korean Aerospace Industries, trong số 48 máy bay phản lực FA-50 được đặt hàng, cho đến nay mới chỉ có 12 chiếc được chuyển giao cho Warsaw.
Tham vọng phòng thủ của Warsaw
Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết số xe bọc thép kể trên sẽ thay thế một phần số xe tăng thời Liên Xô mà Ba Lan đã tặng cho Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.
Một báo cáo hồi tháng 3 từ Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, D.C., cho biết Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine hơn 300 xe tăng, hơn 350 xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân.
Ba Lan đã ở trong tình trạng báo động cao trong những ngày gần đây sau khi Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào Ukraine.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào thành phố Lutsk, tây bắc Ukraine dữ dội đến mức khiến Warsaw phải điều động máy bay chiến đấu để phòng ngừa. Lutsk cách biên giới Ba Lan khoảng 80 km.
Một báo cáo của NATO hồi tháng 4 đã trích dẫn những nỗ lực của Ba Lan nhằm tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trước mối đe dọa từ cuộc xung đột ở Ukraine. Theo báo cáo, chi tiêu quốc phòng của Warsaw đã tăng từ 2,7% GDP năm 2022 lên mức dự kiến 4,7% vào năm 2025.
"Trong số tất cả các đồng minh NATO, Warsaw chi phần trăm GDP cao nhất cho quốc phòng", báo cáo của NATO cho biết.
Báo cáo lưu ý rằng, Ba Lan đã mua vũ khí của Hàn Quốc để nhanh chóng lấp đầy khoảng trống do các khoản tài trợ cho Ukraine để lại. Báo cáo của Trung tâm Wilson cũng nhấn mạnh, Ba Lan "có thể nói đã nổi lên là cường quốc quân sự có năng lực nhất châu Âu".
Tuy nhiên, một báo cáo hồi tháng 5 của tổ chức nghiên cứu RAND Corp đã bày tỏ sự thận trọng về hoạt động tăng cường vũ khí của Ba Lan.
RAND cho biết nhiều khoản mua sắm của Ba Lan được "tài trợ thông qua các khoản vay trực tiếp từ các quốc gia cung cấp thiết bị", đồng thời nói thêm: "Nếu việc đảm bảo các khoản vay như vậy là bất khả thi, thì việc huy động vốn từ thị trường có thể quá tốn kém để chuyển đổi các thỏa thuận khung thành hợp đồng ràng buộc".
Warsaw cho biết sẽ tăng mục tiêu chi tiêu quốc phòng từ 2,4% GDP lên 5%, cao hơn nhiều so với hầu hết các nước EU. Ảnh: EPA-EFE
RAND cũng nhận định, Ba Lan đang đối mặt với những thách thức về tuyển quân khi cần tăng quân số gần 50% trong 10 năm tới.
Hàn Quốc thế chân Mỹ thành nhà cung cấp vũ khí
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc đã nổi lên là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 10 thế giới trong 5 năm qua.
Trong khoảng thời gian đó, Ba Lan đã tiếp nhận 46% kim ngạch xuất khẩu quân sự của Hàn Quốc, tiếp theo là Philippines với 14% và Ấn Độ với 7%, theo báo cáo Xu hướng Chuyển giao Vũ khí Quốc tế năm 2024 của SIPRI.
Khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, cũng như cuộc chiến của Israel ở Gaza, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và Israel đã làm cạn kiệt kho vũ khí của nước này. Do đó, theo một báo cáo năm 2024 của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, Hàn Quốc ngày càng được coi là một lựa chọn cho các đồng minh của Mỹ đang cần vũ khí.
Báo cáo cho biết ngành công nghiệp vũ khí của Seoul có thể trở nên quan trọng đối với Washington trong tương lai.
“Năng lực cơ sở công nghiệp quốc phòng ngày càng tăng của Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí và đóng tàu, có tiềm năng hỗ trợ trực tiếp cho Hoa Kỳ”, báo cáo cho biết.
Đóng tàu được coi là một lĩnh vực đặc biệt trong sức mạnh công nghiệp quân sự của Hàn Quốc, và Washington đã chứng kiến các hợp đồng bảo dưỡng tàu tiếp tế của Hải quân Mỹ được chuyển đến các xưởng đóng tàu Hàn Quốc.