Điều ít biết về cơ quan tình báo RAW của Ấn Độ

Cơ quan tình báo đối ngoại của Ấn Độ RAW đã thành lập được hơn 50 năm nhưng vô cùng kín đáo và đã tránh được sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Lịch sử hình thành

Chú thích ảnh
Ông Rameshwar Nath Kao - lãnh đạo đầu tiên của RAW. Ảnh: India Times

Cho đến gần đây, hoạt động của RAW được cho tập trung vào khu vực Nam Á. Paul McGarr, chuyên gia về an ninh và tình báo Nam Á tại Đại học King's College London (Anh), nhận xét: “Đó là một cơ quan tình báo được đánh giá cao, chủ yếu có phạm vi hoạt động trong khu vực”.

Trọng tâm của RAW được đặt nền móng từ khi cố Thủ tướng Indira Gandhi thành lập cơ quan này vào năm 1968, sau các cuộc xung đột giữa Ấn Độ với Trung Quốc năm 1962 và Pakistan năm 1965. Ông McGarr nói rằng trong cả hai cuộc xung đột này "Ấn Độ đã bị bất ngờ và New Delhi không muốn điều đó xảy ra lần nữa”.

Khi đó Thủ tướng Indira Gandhi tin rằng một Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) kiểu Ấn Độ sẽ là cách tốt nhất để đề phòng những thất bại như vậy. Ông McGarr nhận xét: "Khi RAW được thành lập, cơ quan này mô phỏng theo CIA”.

RAW khởi đầu với 200 sĩ quan từ Cục Tình báo Ấn Độ, vốn là cơ quan chịu trách nhiệm đối với tình báo nội bộ của Ấn Độ cũng xử lý tình báo bên ngoài.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở tại Mỹ, Rameshwar Nath Kao là lãnh đạo đầu tiên của RAW và ông dẫn dắt cơ quan này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1977. Nhiều chuyên gia, bao gồm cả các sĩ quan từng làm việc với Kao đã ghi nhận công lao của ông đối với những thành công ban đầu của RAW.

Thiếu tướng nghỉ hưu VK Singh từng làm việc ở RAW cho biết: “Ở một mức độ lớn hơn, chính Kao là người đã nâng RAW lên tầm cơ quan tình báo hàng đầu Ấn Độ, với đặc vụ ở hầu hết các đại sứ quán và ủy ban cấp cao”. Tuy nhiên, RAW đã bị chỉ trích vì thiếu phối hợp với các cơ quan tình báo và an ninh trong nước.

Các chuyên gia cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu, RAW đã có mối quan hệ liên lạc bí mật với Mossad, cơ quan tình báo của Israel. Mục đích chính là hưởng lợi từ kiến thức của Israel về Tây Á và Bắc Phi cũng như học hỏi các kỹ thuật chống khủng bố của nước này.

Bộ máy và chức năng

Chú thích ảnh
Tòa nhà của RAW tại New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia thừa nhận không có nhiều thông tin về cấu trúc của RAW. Cơ quan này khởi đầu với 250 nhân sự và khoảng 400.000 USD. Kể từ đó đến nay, nó đã mở rộng lên tới vài nghìn nhân sự với danh tính và ngân sách vẫn được giữ bí mật. Tuy nhiên, ước tính của tổ chức Liên đoàn nhà khoa học Mỹ, vào năm 2000, RAW có khoảng 8.000-10.000 đặc vụ và ngân sách vào khoảng 145 triệu USD.

Không giống như CIA hay MI6 của Anh, RAW báo cáo trực tiếp với thủ tướng thay vì Bộ Quốc phòng. Người đứng đầu RAW được bổ nhiệm làm thư ký nghiên cứu trong Ban Thư ký Nội các - một bộ phận của văn phòng thủ tướng. Ấn Độ vào tháng 6 đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Ravi Sinha làm lãnh đạo mới của RAW. Khi đó, ông Sinha là thư ký đặc biệt tại Ban Thư ký Nội các. Một số sĩ quan của RAW là thành viên trong cơ quan chuyên môn nhưng một số trường hợp còn phục vụ trong các cơ quan khác như cảnh sát Ấn Độ.

Tờ Telegraph (Anh) cho biết địa bàn tập trung ban đầu của RAW chủ yếu là Pakistan và Trung Quốc. Theo thời gian, các mục tiêu của RAW mở rộng bao gồm giám sát các diễn biến chính trị và quân sự ở các quốc gia lân cận, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia Ấn Độ và việc xây dựng chính sách đối ngoại của nước này.

Giáo sư Sumit Ganguly tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết RAW không có ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo và An ninh Brunel trụ sở tại London (Anh) – ông Philip Davies cho biết đến những năm 1990, RAW “đã trải qua một loạt cải cách để đạt được mức độ phi chính trị hóa nhất định”.

Việc tiêu diệt các mục tiêu không được coi là một phần trong phương thức hoạt động của RAW. Dheeraj Paramesha Chaya, chuyên gia tình báo Ấn Độ tại Đại học Hull (Anh), cho biết: “Ở Ấn Độ, cơ quan tình báo nước ngoài liên kết trực tiếp với văn phòng thủ tướng. Vì vậy, ám sát có chủ đích không mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị. Nó đi kèm với rủi ro quá lớn về hậu quả chính trị và ngoại giao nếu bị phát hiện”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AFP, Telegraph)
Năm vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất lịch sử Mỹ
Năm vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất lịch sử Mỹ

Một loạt tài liệu của Lầu Năm Góc liên quan Ukraine đã bị rò rỉ và xuất hiện trên mạng xã hội trong tuần qua, gây rối loạn ngành tình báo Mỹ. Trước đây, Mỹ đã để xảy ra nhiều vụ rò rỉ thông tin tình báo gây chấn động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN