Ban Chỉ đạo có 19 thành viên, trong đó, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá thực trạng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ khi thành lập đến nay (tình hình giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách đặc thù...) và chỉ ra các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Ban Chỉ đạo sẽ đề xuất các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tính khả thi, có sự kế thừa các Chiến lược, Đề án, Kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị và Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội. Đồng thời, Ban Chỉ đạo rà soát, đề xuất rõ thẩm quyền của các cấp, ngành thành phố đối với các công việc liên quan đến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tiến độ hoàn thành Đề án trình các cấp phê duyệt trước ngày 31/12/2024.
Việc ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sáng 27/11.
Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thành phố phải đặc biệt quan tâm giải quyết khẩn trương hai vấn đề lớn gồm: ô nhiễm môi trường, bụi, không khí, nước thải, rác thải ô nhiễm và tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp thời. Tổng Bí thư gợi mở, Hà Nội cần mở rộng đô thị song hành với phát triển đường giao thông đến các khu đô thị mới. Đặc biệt, Hà Nội cần quan tâm giao thông kết nối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Thời gian tới sẽ có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội hoạt động tại đây, kéo theo một lượng người rất lớn, lúc đó đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hiện nay không còn đáp ứng nổi nhu cầu. Vì vậy, thành phố cần tính đến phương án kết nối giữa trung tâm thành phố đi Hòa Lạc chỉ mất khoảng 30 phút, có thể xây dựng một tuyến đường riêng biệt hoặc là tuyến đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân đi lại, qua đó tạo sự an tâm cho những người làm việc ở ngoại thành.