Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và Hà Nội dự lễ.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc chuyển giao là nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển theo đúng xu thế của thế giới và các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, việc chuyển giao thể hiện xu thế phân cấp ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ để có cơ chế linh hoạt hơn, nguồn lực dồi dào hơn, thể hiện sự kết hợp giữa nguồn lực của Trung ương và địa phương cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phó Thủ tướng đề nghị Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành liên quan quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực sự là cánh chim đầu đàn về phát triển khoa học công nghệ của Thủ đô và cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, là khu công nghệ cao đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1998, Khu công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện và quản lý nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, có vai trò đẩy mạnh sự phát triển của khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi hình thành, đây cũng là mô hình đầu tiên, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội, sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng để xây dựng và phát triển thành công một khu công nghệ cao.
Khu Công nghệ cao đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, sự có mặt của các trường Đại học về công nghệ tại Khu Công nghệ cao (Đại học FPT, Đại học Việt - Pháp, Đại học Việt - Nhật, Đại học Văn Lang...) sẽ hứa hẹn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội nói chung và trực tiếp cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng. Các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp (Viện V-KIST, Trung tâm vũ trụ, Viện Đo lường, các Trung tâm kiểm thử.)... sẽ là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài (như Hanwha, Nidec, Nissan Techno...), các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, FPT, VNPT,...) đã lựa chọn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm, dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng và về cơ chế, chính sách. Đây là cơ sở để hình thành các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực từ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã khánh thành đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng tốt nhất, hiện đại sẽ là đòn bảy thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Tại sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị "Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc".
Việc tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là cơ hội để Hà Nội phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô trong thực hiện các quy định có tính đặc thù, đột phá về khoa học và công nghệ được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó xác định: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Thủ đô và cả nước và có một số cơ chế đặc thù dành cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024; dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.