Ngày 22/3, tại buổi làm việc với Huyện ủy Thanh Trì về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, ba tháng đầu năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị huyện Thanh Trì đánh giá, rà soát lại tiềm năng, lợi thế, tư duy tầm nhìn, có quyết tâm chính trị và khát vọng, phấn đấu đưa huyện Thanh Trì lên quận vào năm 2023.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì trong năm 2020, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng bộ huyện đến nay luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, khí thế vươn lên ngày càng mạnh.
Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đất rộng, người đông, có tiềm năng, lợi thế phát triển. Vì vậy, thời gian tới, huyện cần tập trung rà soát, đánh giá những khó khăn, hạn chế, định vị rõ tiềm năng, lợi thế; từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của huyện Thanh Trì còn thấp; tỷ lệ lao động nông nghiệp, cơ cấu dân cư nông thôn còn cao. Do đó, muốn phát triển lên quận Thanh Trì phải tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ dân cư nông thôn, đẩy mạnh đô thị hóa gắn liền với kinh tế đô thị. Đặc biệt chú ý thực hiện tốc độ đô thị hóa phải tỷ lệ thuận và gắn với tốc độ công nghiệp hóa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, huyện phải xác định đi lên quận dựa vào nội lực là chính; hình thành phong trào khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh rộng khắp, tập trung phát triển đội ngũ doanh nghiệp và các hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Huyện ủy Thanh trì rà soát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, đặc biệt là 10 chương trình công tác của Thành ủy để điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch, đề án công tác cho thống nhất, phù hợp. Trước mắt, huyện rà soát lại quy hoạch để bảo đảm tầm nhìn xa, không để vì hạn hẹp kinh phí đầu tư lúc này mà làm đường hẹp, phải để chỉ giới rộng để bảo đảm phát triển về sau. Đồng thời, huyện phải quản lý thật chặt quy hoạch sử dụng đất, không để phát sinh thêm các vi phạm.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Huyện ủy tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa chủ động khôi phục, phát triển kinh tế. Huyện đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã thành phường, huyện phát triển thành quận. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đất đai, trật tự xây dựng.
Huyện Thanh Trì đã hoàn thành 14/14 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, trong đó 6/14 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt trên 11.738 tỷ đồng, tăng 8,2%. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng 7,7 triệu đồng so với năm 2019); thu ngân sách vượt 19,5% so với dự toán thành phố giao. Cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, thành phố; cơ bản thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố, đã giảm được 21 thôn, tổ dân phố.
Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, huyện Thanh Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ; phát triển đô thị, chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị, đồng bộ, từng bước hiện đại. Huyện huy động, thu hút, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai; tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường... Hiện huyện đạt 24/27 tiêu chí huyện phát triển thành quận, còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, huyện Thanh Trì kiến nghị thành phố sớm điều chỉnh phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý đường bộ; phân cấp cho huyện quản lý và đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị cấp khu vực hoặc đường giao thông tại các vùng quy hoạch phát triển đô thị nằm trong địa giới hành chính của huyện có bề rộng mặt cắt ngang đường dưới 25m.
Đối với lĩnh vực quy hoạch, huyện Thanh Trì kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị R (quy hoạch khu vực bãi sông, trong đó có 3 xã vùng bãi của huyện Thanh Trì); cho huyện lập các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ và nhà ở theo quy hoạch. Thành phố bố trí nguồn lực ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 3 dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của thành phố, trong đó huyện làm chủ đầu tư dự án: nâng cấp, mở rộng tuyến đường Tựu Liệt, tuyến đường tránh Phan Trọng Tuệ (từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Ngọc Hồi), giao Ban quản lý chuyên ngành của thành phố làm chủ đầu tư dự án cầu qua sông Nhuệ nối từ đường Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai với khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Các Sở, ngành sớm thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của 2 dự án đã được thành phố giao nhiệm vụ cho huyện lập chủ trương đầu tư gồm: Cải tạo, nâng cấp để Hữu Hồng trên địa bàn huyện Thanh Trì, cải tạo nâng cấp đê sông Nhuệ trên địa bàn huyện...
Huyện cũng kiến nghị được lập quy hoạch chi tiết phần còn lại của Khu công viên cây xanh và Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An; kiến nghị được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao kinh phí hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho huyện Thanh Trì.