Hà Nội xóa bỏ tường rào tại công viên - giải cơn khát không gian xanh

Đời sống kinh tế của người dân Hà Nội mấy năm trở lại đây đã được nâng lên nhưng không gian công cộng, không gian xanh lại đang không phát triển tương xứng, thậm chí là thiếu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Thành phố đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục việc thiếu không gian công cộng, không gian xanh; trong đó có việc, Hà Nội quyết định dỡ bỏ tường rào một số công viên, tạo thành công viên mở, phần nào "giải cơn khát" không gian xanh cho người dân Thủ đô.

Chú thích ảnh
Công nhân trồng hoa hồng tại công viên Thống Nhất. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Chậm còn hơn không

Từ nhiều năm nay, người dân Thủ đô hay du khách muốn vào Công viên Thống Nhất nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đều phải mua vé qua cửa. Số tiền tuy nhỏ nhưng tạo cảm giác không thoải mái cho người dân.

Nhưng từ ngày 1/1 năm nay, thành phố Hà Nội đã dỡ bỏ hàng rào sắt bảo vệ, cũng như dừng thu phí vào Công viên Thống Nhất. Việc làm này của thành phố Hà Nội đã được được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Văn Hướng ở Hoàng Mai là cán bộ nghỉ hưu chia sẻ, chính bản thân ông và nhiều thanh niên Hà Nội vào những năm 1958 đã góp tổ chức lao động công ích để xây dựng lên hình hài Công viên Thống Nhất với kỳ vọng nơi đây sẽ là công viên hòa bình và mong muốn đất nước thống nhất. Vậy nhưng nay nhiều khi đi ngang qua, ông rất muốn vào đi dạo trong Công viên Thống Nhất nhưng lại không mang theo tiền nên đành đứng ngoài nhìn vào để nhớ về những kỷ niệm trai trẻ đã qua. Nay thành phố không thu phí vào công viên là một việc làm hết sức hoan nghênh. Việc dừng thu vé vào công viên của Hà Nội dẫu muộn nhưng cho thấy có sự đổi mới tư duy về cách quản lý công viên, vườn hoa.

Phân tích sâu thêm ông Hướng chỉ ra, tại Thành phố Hồ Chí Minh có vườn hoa Tao Đàn và nhiều vườn hoa khác nữa trên địa bàn, thành phố đã bỏ thu phí từ lâu, mở cửa tự do cho người dân đến hưởng lợi không gian xanh, không gian công cộng. Vẫn theo lời ông Hướng thì suy cho cùng, việc thu tiền từ bán vé cũng không đáng là bao, chưa đủ trả lương cho những nhân viên trực tiếp làm công việc soát vé. Hơn nữa, khi Nhà nước thu vé, nhiều người sẽ chọn cách trốn vé, trèo rào để vào công viên, từ đó tạo ra những hình ảnh không đẹp khi đến với không gian xanh – nơi được cho là sản phẩm của xã hội văn minh.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán, việc dỡ đoạn hàng rào bao quanh công viên nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Đa số người dân ủng hộ và cho rằng không gian công viên thoáng đãng, đẹp hơn rất nhiều khi nhìn từ phía hồ Thiền Quang. Việc dỡ bỏ hàng rào tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận đã làm tăng sức hút của công viên khi lượng khách đã tăng từ 20 - 30%.

Để chỉnh trang công viên sau khi tháo bỏ rào chắn, phía Công viên Thống Nhất đã trồng 10.000 cây hoa hồng trên dải đất rộng 5m, dài hơn 300m từ khu vực tượng đài Công an nhân dân đến cổng chính công viên. Những khóm hoa hồng rực rỡ được trồng theo luống, tạo lối đi ở giữa để khách thăm quan có thể ngắm hoa, chụp ảnh. Sau khi hoa hồng được trồng kết hợp thảm cỏ xanh nhằm tạo nên một không gian mở đẹp kết nối với phố đi bộ Trần Nhân Tông.

Theo Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu không gian xanh, thiếu nơi vui chơi cho trẻ em thì việc cởi bỏ rào chắn công viên là chủ trương đúng đắn. Vì công viên phải được sử dụng đúng công năng của nó là nơi người dân có thể đến để sinh hoạt cộng đồng, không gian sáng tạo. Chứ không phải mỗi khi đến lại phải xì tiền ra rồi mới được vào, tạo cảm giác không vui.

Nâng cao ý thức bảo vệ không gian xanh

Cùng bàn luận về chủ đề trên, kiến trúc sư Đỗ Tiến Công cho biết, toàn thành phố có Hà Nội khoảng 8,5 triệu dân; trong khi đó, chỉ có khoảng 63 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, nghĩa là hơn 130.000 người mới có một công viên hay vườn hoa. Điều này cho thấy, không gian xanh đang bị thiếu nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại quản lý chưa khoa học là cho rào kín xung quanh các công viên, chỉ để một lối vào duy nhất nên người dân khó tiếp cận không gian xanh.

Trong khi đó, ở các nước quanh khu vực, trừ công viên chuyên đề, còn lại hầu hết các công viên, vườn hoa khác đều xóa bỏ rào chắn và không thu phí khi vào tham quan. Đầu tiên, người dân chưa có ý thức, cũng làm ảnh hưởng đến cây xanh, cây cảnh, cây hoa và một số vật dụng trong công viên nhưng bằng cách tuyên truyền, người dân đã thay đổi nhận thức, giữ gìn tài sản chung.

“Việc công viên, vườn hoa xóa bỏ rào chắn ngoài lợi ích về không gian cảnh quan, giúp công viên thân thiện hơn, còn là cách làm cho người dân từng bước thay đổi ý thức, thể hiện trách nhiệm công dân cùng với chính quyền bảo vệ “lá phổi” xanh, quý giá và đẹp đẽ”, ông Đỗ Tiến Công nhấn mạnh.

Bên cạnh tính hiệu quả, theo quan sát của phóng viên, khi Công viên Thống Nhất dỡ rào có tình trạng một số người dân thiếu ý thức lái phương tiện xe máy, xe đạp đi thẳng từ ngoài đường vào công viên. Việc này ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người đi bộ, vui chơi, đồng thời, ảnh hưởng tới chất lượng duy tu, duy trì cây hoa, cỏ trong công viên.

Mặc dù, còn có bất cập nhưng Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là phải làm sống lại các công viên. Trên tinh thần này, mới đầu tháng 1/2023, Công viên Cầu Giấy nằm ở phố Thành Thái, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy có tổng diện tích lên đến 6.540 m2; bao gồm khu vui chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao, khu hồ nước và quảng trường, mới đây cũng được tháo bỏ tường rào chắn.

Người dân có thể đi lại tự do để vào công viên này. Đông đảo người dân sinh sống xung quanh công viên đều rất vui mừng nếu không gian xanh này được chuyển hoàn toàn sang mô hình mở, không hàng rào ngăn cách.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua tại thành phố, nhiều công viên, vườn hoa được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo như: Công viên Hòa Bình, Tuổi Trẻ, Cầu Giấy, Indira Gandhi, Công viên hồ Thành Công, Nghĩa Đô, Yên Sở, Đống Đa, Yên Hòa… hay các vườn hoa Lê Nin, Lý Thái Tổ, Lý Tự Trọng, Hàng Đậu, dải vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm… Đặc biệt, thành phố có kế hoạch cải tạo các công viên lớn như: Thủ Lệ và Thống Nhất theo hướng mở.

Cùng với việc thành phố dành ngân sách đầu tư xây mới, cải tạo công viên, vườn hoa, tại Hà Nội một số nhà đầu tư cũng lập dự án xây dựng công viên, khu vui chơi giải trí theo hình thức xã hội hóa. Với những gì đã và đang thực hiện, thời gian tới hy vọng rằng, không gian xanh của Hà Nội sẽ tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch cho Thủ đô.

Mạnh Khánh (TTXVN)
'Phá rào' cho những không gian xanh
'Phá rào' cho những không gian xanh

Đầu tháng 2, một thông tin quan trọng được công bố: Phần hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất (Hà Nội) dự kiến sẽ được dỡ bỏ, kèm đồng thời không thu vé vào cửa với cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN