Ban Quản lý Khu Công nghiệp Phú Nghĩa yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về các trường hợp F1, F2, F3 nếu có; tuyệt đối không để sót, bỏ lọt; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó khi xuất hiện ca mắc COVID-19.
Tại huyện Gia Lâm, đơn vị chức năng của huyện đã có nhiều văn bản đề nghị các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp lập danh sách người lao động, chuyên gia cư trú trên địa bàn thường xuyên di chuyển, giao thương, đi làm tại các địa điểm, chi nhánh khác ở địa phương có dịch, khu công nghiệp, chế xuất thuộc tỉnh lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm, để chủ động giám sát khi có các ca bệnh. Huyện thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các xã kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ được triển khai bên trong các khu cụm công nghiệp mà phía bên ngoài các khu cụm công nghiệp, các cấp chính quyền địa phương cũng phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại xã Võng La (huyện Đông Anh), toàn bộ cửa hàng ăn, uống, karaoke... tiếp giáp với Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long đã tạm dừng kinh doanh. Lối ra, vào các thôn xã và khu vực tiếp giáp với khu công nghiệp được lập chốt kiểm tra y tế.
Theo lãnh đạo xã Võng La, hàng ngày có hơn 3.000 lượt công nhân, lao động cư trú trên địa bàn xã ra, vào khu công nghiệp đều phải khai báo y tế, lịch trình đi lại, đo thân nhiệt. Tổ công tác xã đã xử phạt 12 triệu đồng đối với 6 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Cũng tại huyện Đông Anh, các tổ COVID-19 cộng đồng xã Hải Bối đã yêu cầu hơn 2.000 công nhân thuê trọ trên địa bàn xã phải thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn và khai báo y tế thường xuyên để kiểm soát dịch bệnh.
Tương tự, khu vực xung quanh Khu Công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên), UBND phường Sài Đồng tăng cường kiểm tra các lượt người ra, vào ký túc xá dành cho công nhân ở ngõ 765 đường Nguyễn Văn Linh. Hơn 1.000 công nhân tại đây đã ký cam kết về thực hiện quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, UBND phường đẩy mạnh hoạt động của 16 Tổ an toàn COVID-19 cộng đồng tại 16 tổ dân phố, 5 tòa chung cư.
Cùng với đội ngũ công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp nghiêm túc chấp hành phòng, chống dịch, công nhân lao động đang làm việc tại các công trình xây dựng, dự án giao thông trên địa bàn Thủ đô đang duy trì hoạt động, gấp rút thi công sao cho kịp tiến độ nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Tại một số dự án giao thông trên các tuyến đường của Hà Nội như dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở), dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3…, công nhân đang khẩn trương làm việc nhưng không quên áp dụng các biện pháp, phòng dịch COVID-19.
Mặc dù công trường nằm tách biệt với khu dân cư song các công nhân luôn đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi vào công trường. Anh Nguyễn Quang Hưng, một công nhân lao động chia sẻ, tại công trường luôn được bố trí nước sát khuẩn và yêu cầu tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế; trong các bữa ăn chia thành nhóm thay phiên nhau ăn và không ăn ở ngoài.
Tương tự, ghi nhận ở một số công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn quận Long Biên, những ai ra vào công trình đều phải đo thân nhiệt tại cửa vào, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và thiết bị bảo hộ để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo an toàn lao động.
Theo đơn vị thi công ở đây, một buổi làm việc sẽ chia nhiều nhóm nhỏ, thậm chí chia thành nhiều ca với các khung giờ khác nhau, để đảm bảo không tập trung quá đông người. Nếu công trình có nhiều tầng, mỗi nhóm sẽ phụ trách thi công từng tầng…
Thiết lập những "cánh tay nối dài" đảm bảo phòng, chống dịch và bầu cử
Trước tình hình phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp và chế xuất, nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động, đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thành lập được 2.983 "Tổ An toàn COVID-19" tại 770 doanh nghiệp với 18.701 người tham gia. Đây là những "cánh tay nối dài", là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, hiện trên địa bàn Thủ đô có trên 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với gần 2,5 triệu lao động. Trong đó, có 9 khu công nghiệp, chế xuất và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút 660 dự án đầu tư, với 160.102 người lao động, với trên 60% là lao động ngoại tỉnh.
Ngay từ ngày đầu đợt dịch mới bùng phát, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố làm Trưởng ban, 5 tổ công tác để chỉ đạo, nắm bắt thông tin và triển khai các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong bầu cử và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung Kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong các cấp Công đoàn cho phù hợp với diễn biến tình hình mới.
Liên đoàn Lao động thành phố tăng cường lực lượng biệt phái xuống 9 khu công nghiệp, chế xuất để hỗ trợ Công đoàn nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ổn định quan hệ lao động, phục vụ công tác bầu cử. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất ban hành văn bản liên tịch chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các doanh nghiệp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Phi Thường cho biết, với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn phải nắm bắt chặt chẽ tình hình công nhân lao động và quan hệ lao động đảm bảo an toàn tuyệt đối phục vụ công tác bầu cử; không để tranh chấp lao động, đình công, biểu tình hoặc các hành vi lôi kéo kích động chống phá xảy ra. Các cấp Công đoàn cử cán bộ theo sát các thông tin trên mạng xã hội, để chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống trong mọi hoàn cảnh; cảnh giác không bị các đối tượng lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người lao động nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử.
Song song với đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động duy trì việc làm, quan tâm, đảm bảo đời sống, thu nhập của người lao động; có các chế độ, chính sách đối với công nhân lao động bị ngừng việc, bị cách ly do dịch COVID-19.