Tại cuộc làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 4 tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện hết tháng 4/2022 là 158.946 tỷ đồng (đạt 51% dự toán, bằng 136,4% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương thực hiện hết tháng 4/2022 là 19.381 tỷ đồng (đạt 18,1% dự toán đầu năm, bằng 109,7% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 5.464 triệu USD, tăng 17,4% (cùng kỳ tăng 12%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 12.741 triệu USD, tăng 20,2% (cùng kỳ tăng 20,8%).
Nhiều chỉ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực và có xu hướng phát triển tốt. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5% so với tháng 3 và tăng 6,8%, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,4%; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8,2%.
Ngành du lịch phục hồi tích cực; sản xuất nông nghiệp phát triển tốt… Lũy kế đến hết tháng 4, thu hút vốn FDI đạt 586,55 triệu USD. Lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đạt nhiều kết quả, từ ngày 8/4, các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện như: Karaoke, quán bar, vũ trường… được phép mở cửa trở lại trong điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; dịch COVID-19 được kiểm soát tốt; các hoạt động văn hóa hướng tới SEA Games 31 diễn ra sôi nổi.
Đặc biệt, thành phố đã giải quyết việc làm cho 74.170 lao động; ra quyết định hỗ trợ trên 2,631 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đối với lĩnh vực phát triển đô thị, thành phố đã trình và được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố và các Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; phê duyệt thêm 9 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc...
Trong tháng 4, thành phố đưa vào vận hành thêm 2 tuyến xe buýt điện, nâng tổng số tuyến xe buýt điện của toàn mạng lên 6 tuyến; thực hiện tổ chức vận tải hành khách thích ứng đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19... Thành phố cũng đã khởi công nhà máy điện rác SERAPHIN khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Đồng thời, công tác quốc phòng tiếp tục được chỉ đạo thực hiện tốt, duy trì, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thành phố Hà Nội gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trong đó cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và thành phố Hà Nội với các biện pháp hiệu quả nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân trước những biến động khó lường của dịch COVID-19.
Đồng thời phản ánh và kiến nghị xử lý các đối tượng lợi dụng mạng xã hội thổi phồng những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của những người bị mắc COVID-19 để quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19; cần hỗ trợ cho nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn vì đại dịch nhưng không tiếp cận được nguồn hỗ trợ vì không có đăng ký kinh doanh. Nhiều lao động chưa tham gia Bảo hiểm xã hội đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng Bảo hiểm xã hội nên khi bị hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ việc không lương không được hỗ trợ...
Cử tri và nhân dân Thủ đô mong muốn Quốc hội có chủ trương, nghị quyết, định hướng cụ thể để ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, tháo gỡ khó khăn hiện nay của ngành về tình trạng thiếu giáo viên, tổ chức nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo; đề nghị Công an sớm thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan đến sai phạm trên lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các sở, ngành thành phố tiếp thu các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội để triển khai quyết liệt hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm; tập trung bổ sung góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, thành phố; triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng, các Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII; phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, để hoàn thành 22/22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022; triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; một số dự án xây dựng cơ bản trong nhiệm vụ chi cấp thành phố…
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là có thể triển khai ngay.