Hà Nội: Quỹ nhà tái định cư để trống nhiều, gây lãng phí

Chiều 7/7, tiếp tục phiên chất vấn tại HĐND TP Hà Nội, các đại biểu chất vấn về trách nhiệm các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng, khai thác nhà tái định cư.

Tại phiên chất vấn chiều 7/7, nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác nhà tái định cư.

Đại biểu Nguyễn Bích Thuỷ (quận Cầu Giấy) cho biết, trong tổng số 199 toà nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ thì có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho vào ở, trong khi các hộ chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà. Hiện nay mới khắc phục được 396 căn. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng công tác kiểm tra, thanh tra của Sở khi xảy ra những vi phạm đã nêu? Đối với những căn hộ chưa khắc phục Sở đã tham mưu và có những giải pháp gì để giải quyết dứt điểm?

Chú thích ảnh
Toàn cảnh khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Cùng chung nội dung này, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (quận Nam Từ Liêm) nhận định: Qua giám sát, HĐND TP  nhận thấy quỹ nhà tái định cư để trống còn khá nhiều, gây lãng phí tài sản Nhà nước. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng và trách nhiệm của đơn vị nào khi quỹ nhà chưa bàn giao đã xuống cấp? Bên cạnh đó, hiện có khoảng hơn 700m2 diện tích tầng 1 nhà chung cư tái định cư sử dụng sai phép. Đề nghị Sở cho biết trách nhiệm của Sở và việc xử lý vi phạm này bao giờ hoàn thành?

Đại biểu Hoàng Thị Thuý Hằng (quận Đống Đa) nêu vấn đề: Địa bàn TP có hơn 15.000m2 tầng 1 nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội TP giao cho các đơn vị kinh doanh, quản lý, cho thuê còn để trống. Trong khi đó nhiều nơi phần diện tích này đang bị lấn chiếm. Đề nghị, Sở với trách nhiệm của mình cho biết nguyên nhân, trách nhiệm trong việc để lãng phí diện tích này và hướng tham mưu cho TP xử lý đối với vấn đề này?

Trả lời chất vấn về nội dung nhà tái định cư, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ trách nhiệm về 254 căn nhà tái định cư.

Theo quy định của Hà Nội, cơ quan tiếp nhận quản lý các căn hộ tái định cư giao cho Công ty quản lý phát triển Nhà Hà Nội. Trong 650 căn hộ có vi phạm, đã khắc phục được 396 căn, còn 254 căn.

Về trách nhiệm, Sở Xây dựng đã ban hành kế hoạch và quyết định tổ công tác đôn đốc Công ty xử lý vi phạm bố trí và sử dụng các căn hộ tái định cư. 

Về lộ trình, Sở tiếp tục đôn đốc Công ty rà soát và đôn đốc xử lý thu các trường hợp chưa nộp. Theo kế hoạch của Công ty Nhà, đến năm 2022 cơ bản xử lý xong vi phạm.

Đối với các trường hợp chây ì trong việc nộp tiền hoặc ký hợp đồng mua nhà, Sở sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ, trong trường hợp vi phạm chiếm dụng tài sản nhà nước thì phải xử lý theo quy định.

Về 700m2 đang sử dụng sai tại 17T10 Trung Hòa Nhân Chính và N01 Láng Thượng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đã thiết lập hồ sơ trình UBND TP quyết định thu hồi 2 trường hợp này.

Trước ý kiến từ đại biểu Nguyễn Quang Thắng (quận Long Biên) cho rằng, hiện nay diện tích kinh doanh tầng 1 nhà tái định cư là hơn 15.000m2, nhưng chưa được cho thuê, gây lãng phí ngân sách;  giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, số diện tích này hình thành từ công tác đấu giá thuê tầng 1 của chung cư tái định cư không thành công (khoảng 4.800m2). Ngoài ra, còn từ việc thu hồi tại 28 điểm vi phạm (khoảng 5.500m2); thu hồi từ 13 vị trí nhà chung cư có vi phạm trong thời gian vừa qua (không nộp tiền thuê, sử dụng sai mục đích).

Theo Sở Xây dựng, các diện tích tầng 1 này có 118 điểm, trong đó có 66 điểm đang cho thuê ổn định. Để xác định giá cho thuê, bao giờ sắp kết thúc hợp đồng thì sẽ xác định giá để thực hiện đấu thầu cho thuê cho giai đoạn tiếp theo. Còn 52 trường hợp còn lại, thành phố đã ban hành giá cho thuê để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn đơn vị thuê theo quy định.

Trả lời cho ý kiến của đại biểu Trần Khánh Hưng (Thị xã Sơn Tây) thắc mắc vì sao quỹ nhà của chương trình phát triển nhà đến năm 2030 đang trống rất lớn? Việc triển khai thí điểm đặt mua nhà tái định cư đã được thành phố và Thành ủy triển khai từ nhiều năm qua, vậy tiến độ thực hiện ra sao? Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Hà Nội có 17.957 căn hộ tái định cư; phần lớn đã bán và bố trí cho các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB); hiện còn 424 căn hộ trống chưa bố trí cho dự án nào. Đối với quỹ nhà trống, chưa có người vào ở do một số nguyên nhân.

Trong đó phải kể đến nguyên nhân thứ nhất là do các chủ đầu tư được TP bố trí quỹ nhà tái định cư, đang trong quá trình thực hiện GPMB nên chưa trình UBND TP để ra quyết định bán nhà.

Nguyên nhân thứ hai, các hộ dân được bố trí nhà tái định cư còn có vấn đề liên quan khiếu nại, kiến nghị liên quan trong công tác GPMB, liên quan chế độ, chính sách.

Thứ ba là do người dân được bố trí nhà tái định cư, nhưng lại trả lại nhà, đề nghị hỗ trợ tiền. Về bản chất, còn hơn 400 căn hộ trống, còn lại các căn hộ đã bán, hoặc đã bố trí GPMB.

Liên quan quỹ nhà trên địa bàn quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu sớm đưa các công trình này vào sử dụng. Đây là các quỹ nhà bố trí các dự án, có những dự án trọng điểm của TP.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến một số dự án nhà ở như sự chậm trễ trong phê duyệt dự toán thu chi hàng năm ở dự án nhà ở CT19A Việt Hưng; dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp còn 2 khối nhà A2, A3 đã bị dừng thi công 10 năm nay; số căn hộ trống ở nhà CT19A Việt Hưng cho thuê, chưa khai thác là 60 căn, trong đó 57 căn đã có quyết định của UBND TP, 3 căn hộ đã thanh lý hợp đồng. Đồng thời, toàn bộ diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 vẫn để trống chưa đưa vào khai thác nên rất lãng phí...

Trả lời chất vấn, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội cho biết, đối với khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp được phê duyệt từ 2009, theo nguồn ngân sách Trung ương và thành phố Trong giai đoạn đầu, tại khu Pháp Vân – Tứ Hiệp chỉ thu hút được khoảng 60% sinh viên về ở.

Trước tình trạng trên, TP Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch-Đầu tư điều chỉnh kế hoạch mục tiêu. Từ đó, thành phố đã có văn bản tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại dự án nhà Pháp Vân -Tứ Hiệp. Trong đó, Sở đã yêu cầu Ban Dân dụng làm rõ 3 vấn đề điều chỉnh, và Ban Dân dụng đã thông báo sẽ báo cáo, trình TP phê duyệt trong tháng 9/2022.

Đối với Khu nhà ở Kim Chung (huyện Đông Anh), ông Võ Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều của dịch COVID-19, bị phong tỏa nên đơn vị phải đóng cửa, ngừng hoạt động, khó khăn trong thu tiền thuê nhà. Sở đã có tờ trình trình UBND TP Hà Nội đề xuất thu hồi, Sở sẽ phối hợp với huyện Đông Anh, Công ty Quản lý nhà thu hồi, đấu giá quyền thuê.

Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm, đối với phát triển nhà ở xã hội, trên địa bàn TP giai đoạn vừa qua có 25 dự án hoàn thành với diện tích 1,2 triệu m2 sàn. Có 52 dự án đang triển khai với quy mô 4,1 triệu m2.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Các dự án đều phải đầu tư cho quỹ nhà ở xã hội
Các dự án đều phải đầu tư cho quỹ nhà ở xã hội

Nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu trầm trọng so với nhu cầu. Dù đã có quy định các dự án diện tích trên 10 ha phải dành 20% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế thực hiện không được bao nhiêu. Quy định mới đã yêu cầu tất cả các dự án đều phải đóng góp cho quỹ nhà ở này, tuy nhiên mở rộng các hình thức đóng góp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN