Theo Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 Lưu Minh Đông, UBND phường luôn thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện công khai, thảo luận các văn bản theo quy định trên tất cả các lĩnh vực được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đồng thuận trong xã hội.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương đạt nhiều kết quả tốt. Trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ về dân chủ ở cơ sở được nâng cao.
UBND phường Cổ Nhuế 2 đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát dân hơn; tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, nguyện vọng chính đáng, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp, giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chỉnh theo cơ chế một cửa. Các tầng lớp nhân dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao.
Đặc biệt, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, chính quyền chuyển biến tích cực, theo phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, của quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên góp, phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số tồn tại cần được khắc phục như: Do địa bản rộng, công tác tuyên truyền còn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác chuẩn bị và lập hồ sơ công khai theo quy định Pháp lệnh số 34 còn hạn chế, một số đơn vị nộp chậm chưa đầy đủ hồ sơ. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ các nội dung của Pháp lệnh số 34...
Trong phần thảo luận, các đại biểu, cử tri cơ bản nhất trí cao với nội dung của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nêu ý kiến về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, ông Nguyễn Huy Bảo, Tổ dân phố Đống 4 (phường Cổ Nhuế 2) cho rằng: Các nội dung và hình thức công khai thông tin quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Dự thảo Luật đảm bảo đầy đủ, mang tính khả thi cao; đề nghị tăng thời lượng công khai thông tin trên hệ thống truyền thanh cấp xã, phường và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Bà Bùi Thị Bích Liên, Tổ dân phố số 5 (phương Cổ Nhuế 2) bày tỏ: Các hình thức, nội dung công khai thông tin theo Dự thảo Luật là tương đối đầy đủ và khả thi khi cấp xã thực hiện nghiêm túc. Việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn cần linh hoạt các hình thức đối với những địa bàn đặc thù để phù hợp với thực tế.
Về nội dung nhân dân bàn và quyết định, ông Dương Văn Huân, Tổ dân phố Đống 2 (phường Cổ Nhuế 2) nêu ý kiến: Những vấn đề đưa ra dân bàn, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận phải thống nhất. Khi tổ chức họp hội nghị cử tri phải gợi ý nội dung trọng tâm, thể hiện thái độ cầu thị, tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân mới phát huy được tinh thần trách nhiệm của bà con đối với công việc trong cộng đồng dân cư.
Cũng theo ông Dương Văn Huân, Dự thảo Luật đã quy định các quyết định của cộng đồng dân cư phải có trên 50% tổng số cử tri đại diện các hộ gia đình tiến hành là phù hợp. Trên thực tế, nhiều nội dung không có được trên 50% cử tri hộ gia đình tham dự hội nghị (do nhiều nguyên nhân). Thông thường Hội nghị đại biểu cử tri có khoảng 30% cử tri hộ gia đình tham gia. Những hội nghị quan trọng như bầu Tổ trưởng Tổ dân phố mới có trên 50% đến 80-90% đại biểu cử tri hộ gia đình tham dự.
Thay mặt đoàn khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tại buổi làm việc; đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Kết quả của buổi khảo sát sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào kỳ họp tới của Quốc hội.