Hà Nội: Đưa hàng hóa Tết đến các huyện xa trung tâm

Để đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong những ngày cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, trị giá khoảng 39.500 tỷ đồng, lượng hàng hóa phục vụ người dân trong dịp cuối năm này tăng khoảng 15% so với năm trước.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Long Biên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Chương trình bình ổn giá năm 2022 có 32 đơn vị được phê duyệt tham gia; trong đó có 16 đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia. Các đơn vị đã không ngừng phát triển hệ thống phân phối nhằm đưa hàng hóa thiết yếu đến với người dân trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, tại các huyện xa trung tâm, các đơn vị đã cung ứng tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội; trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể. 

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhằm hỗ trợ các đơn vị tham gia chương trình có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương Hà Nội đã tổng hợp nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị, với tổng số vốn là 889 tỷ đồng, gửi Ngân hàng nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội và các tổ chức tín dụng để kết nối vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia chương trình năm 2022 còn có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 (lĩnh vực đầu tư, cho vay theo quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội), lãi suất 5,96%/năm, không thay đổi trong suốt thời gian vay. Thời hạn cho vay tối đa 15 năm (theo văn bản số 492/QĐTPT-NV3 ngày 17/6/2022 của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố).

Dự báo, nhu cầu mua sắm Tết năm 2023 của người dân sẽ tăng khoảng 15% so với năm trước nên Hà Nội đã có các phương án chuẩn bị khoảng 39.500 tỷ đồng hàng hóa, phục vụ cho khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết là gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, bánh mứt kẹo, nước giải khát...

Cụ thể, hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết bao gồm các kênh bán hàng như 28 trung tâm thương mại; 132 hệ thống siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Các kênh bán hàng đa phương tiện trên nền tảng số bao gồm khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.

Bên cạnh đó, hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.

Sở Công thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn theo kế hoạch thành phố giao và tăng thêm tối thiểu ít nhất 30%. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và đảm bảo phòng, chống dịch phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; các chợ hoa xuân phục vụ Tết; các sự kiện thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của Nhân dân Thủ đô...

Nam Giang (TTXVN)
Tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa từ dịch vụ logistics
Tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa từ dịch vụ logistics

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản và trái cây của cả nước. Vì vậy, phát triển hệ thống logistics (dịch vụ hậu cần) xứng tầm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hàng hóa chủ lực của vùng theo hướng hiệu quả và bền vững là rất cần thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN