Hà Nội dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 850.000 người từ 12 - 17 tuổi

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, dự kiến từ Quý IV năm 2021 đến Quý 1/2022; ưu tiên địa phương có dịch.

Theo kế hoạch số 245/KH-UBND của TP Hà Nội, thời gian tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em sẽ phụ thuộc vào đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Tất cả các trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi (bao gồm cả trẻ không đi học) sẽ được tiêm nếu nằm trong chỉ định tiêm chủng theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine và của Bộ Y tế.

Lộ trình tiêm căn cứ theo lứa tuổi từ cao xuống thấp, tiêm trước cho tuổi 16-17, hạ dần độ tuổi và tiêm theo tiến độ cung ứng vaccine, tình hình dịch bệnh, ưu tiên các khu vực đang có dịch COVID-19. Địa điểm tiêm được đặt tại những điểm cộng đồng hoặc trường học tùy thuộc vào tình hình dịch và thời điểm học sinh quay lại trường học.

Chú thích ảnh
Hà Nội ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nơi bùng dịch. Ảnh minh hoạ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã lên danh sách khoảng 700.000-850.000 trẻ trong diện cần tiêm chủng. Có hai phương án triển khai tiêm. Nếu học sinh đi học đầy đủ, Hà Nội sẽ tiêm cho trẻ tại trường học. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp, thành phố sẽ triển khai tiêm tại cộng đồng.

Cũng theo kế hoạch này, trong trường hợp nguồn vaccine chưa đủ, TP Hà Nội sẽ tiến hành phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung... Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.

Chuyên gia y tế khuyến cáo trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, cha mẹ không nên cho trẻ chạy nhảy, hoạt động quá mức, bởi đã có trường hợp trẻ viêm cơ tim sau tiêm vaccine. Thống kê cho thấy, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi tiêm thứ 2, xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Đáng chú ý, việc tiêm vaccine COVID-19 chống chỉ định đối với trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine lần trước, hoặc các thành phần của vaccine; hoặc trẻ nằm trong trường hợp chống chỉ định theo hợp đồng của nhà sản xuất với từng loại vaccine. Trẻ sẽ phải trì hoãn tiêm vaccine khi đang mắc bệnh cấp tính, có các yếu tố khác nếu phát hiện được (ví dụ: có thai dưới 13 tuần). Đối tượng cần thận trọng khi tiêm vaccine là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.

Đặc biệt, trẻ mắc bệnh bẩm sinh, mãn tính vẫn được tiêm vaccine COVID-19 nhưng phải tiêm ở bệnh viện. Các bác sĩ sẽ đánh giá nếu không có tình trạng cấp cứu, phải can thiệp, thì vẫn tiêm được.

Kế hoạch tiêm vacicne COVID-19 cho trẻ em tại Hà Nội nằm trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc bắt đầu từ 29/10. Bộ Y tế đã phê duyệt hai loại vaccine sử dụng cho trẻ gồm Comirnaty của Pfizer và Spikevax của Moderna, kỳ vọng trong Quý 4/2021, sẽ tiêm ít nhất một mũi vaccine cho tất cả trẻ em 12-17 tuổi. Hiện TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Lan Anh/Báo Tin tức
Đối tượng trẻ nào phải trì hoãn, thận trọng khi tiêm vaccine phòng COVID-19?
Đối tượng trẻ nào phải trì hoãn, thận trọng khi tiêm vaccine phòng COVID-19?

Bạn đọc hỏi: Khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12- 17 tuổi, những trường hợp nào phải trì hoãn, thận trọng?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN