Hà Nội có gần 500 ha lúa, hoa màu bị ngập úng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến ngày 25/8, Hà Nội có 472ha lúa, hoa màu bị úng ngập do ảnh hưởng của mưa bão; trong đó có 176ha bị ngập trắng, 296ha bị ngập 1/3 thân lúa. Địa phương còn diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập gồm: Ba Vì 466ha, Phúc Thọ 6ha.

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích lúa ngập sâu trong nước. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Cụ thể, Ba Vì là huyện có địa hình cao, nhiều hướng tiêu úng bằng trọng lực, nhưng sau 3 ngày xảy ra đợt mưa lớn, vẫn còn 872ha sản xuất nông nghiệp bị úng ngập; trong đó có tới 254ha lúa, 74,93ha rau màu, 83ha nuôi trồng thủy sản ngập trắng,... nguy cơ thiệt hại rất lớn. Đến ngày 25/8 huyện còn 466ha ngập úng.

Tại vùng trũng huyện Chương Mỹ, đợt mưa vừa qua cũng đã làm 395ha lúa, hoa màu của 10 xã vùng ven sông Bùi bị úng ngập. Tính đến ngày 21/8, trên địa bàn huyện vẫn còn gần 100ha ngập 1/3 thân lúa...

Cũng trong đợt mưa vừa qua, hơn 200ha lúa tại các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây... bị ngập sâu trong nước. Tính đến ngày 21-8, các huyện, thị xã nêu trên còn khoảng 90ha ngập 1/2 thân lúa... Đến hôm nay, các địa phương trên nước đã rút hết không còn úng ngập.

Theo ông Đào Mạnh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi sông Tích nếu đêm 24 và ngày 25/8, trên lưu vực không xảy ra mưa to, mực nước sông Tích rút nhanh thì khoảng ngày 27/8, toàn bộ diện tích úng ngập của huyện Ba Vì và Phúc Thọ sẽ được tiêu kiệt...

Để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi sông Tích tiếp tục vận hành 16 trạm với 33 tổ máy bơm tiêu úng cho diện tích úng ngập trên địa bàn huyện Bà Vì và Phúc Thọ. Bên cạnh đó, các công ty, xí nghiệp thủy lợi thành phố tiếp tục vận hành trạm bơm để giảm mực nước nội đồng.

Mực nước trên các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy (đoạn chảy qua địa phận Hà Nội) và các sông nội địa (Tích, Bùi, Nhuệ...) có xu hướng giảm và phổ biến ở mức dưới báo động lũ cấp I. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh rút báo động lũ cấp I trên sông Tích.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoại thành, Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi tập trung vận hành toàn bộ công trình tiêu úng cho diện tích bị úng ngập bảo đảm thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước trên các triền sông để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa linh hoạt và chủ động...

Lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, huyện cũng đã huy động hàng trăm lượt người ở các xã, thị trấn để đắp bờ chống tràn cho tuyến kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng, tạo thuận lợi cho Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì vận hành tối đa công suất trạm bơm, tiêu úng cho diện tích còn úng ngập. Về lâu dài, đối với một số diện tích có khả năng ngập sâu, lâu ngày, các xã, thị trấn sẽ hướng dẫn người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản...

Nam Giang (TTXVN)
Sạt lở đê bao gây ngập úng hơn 40 ha vườn cây ăn trái
Sạt lở đê bao gây ngập úng hơn 40 ha vườn cây ăn trái

Ngày 22/8, ông Nguyễn Văn Tiền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, người dân và ngành chức năng tại khu vực ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành đang tập trung khắc phục sạt lở đê bao do tháo dỡ đập tạm, làm ngập úng hơn 40 ha vườn cây ăn trái của người dân gồm: sầu riêng, bưởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN