Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị này là phiên bản thứ tư, đã được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố hai lần và trải qua hàng chục lần dự thảo. Hà Nội dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào cuối tháng 10/2020 nên thành phố đang gấp rút hoàn thành việc lấy ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị.
Ngoài ra, thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã làm việc với một số bộ, ngành và tới đây, sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, trên cơ sở đó để có thêm dữ liệu cập nhật, bổ sung vào văn kiện. Sau hội nghị, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến của Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng, Chính phủ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, từ đó định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển để có Dự thảo văn kiện tốt nhất trình Đại hội, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.
Thông tin về nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Dự thảo xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong Dự thảo, thành phố Hà Nội xác định 3 khâu đột phá, gồm: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô; tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô, đồng thời phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị...; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực sáng tạo, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế… xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Góp ý tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức bản Dự thảo Báo cáo chính trị.
Nhất trí với phương hướng mục tiêu, phương châm của đại hội, ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị đã cho thấy tầm vóc của Thủ đô, nhất là qua đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố. Mặt khác, những mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị cũng thể hiện khát vọng của Thủ đô và nếu làm được sẽ tạo sự phát triển bứt phá trong 5 đến 10 năm tới. Đặc biệt, trong khi cả nước đặt ra mục tiêu đến năm 2025 mới vượt mức thu nhập trung bình thấp thì Hà Nội xác định mục tiêu đạt tiệm cận mức thu nhập trung bình cao là quyết tâm rất lớn. Tuy nhiên, góp ý thêm, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho rằng dung lượng của Dự thảo Báo cáo nên giảm bớt phần nội dung trùng lặp để tập trung vào các chỉ đạo, định hướng trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Vinh - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cũng khẳng định, Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu rõ nội hàm, phản ánh chính xác, trung thực bức tranh cuộc sống của Thủ đô. Song, Dự thảo cần bổ sung, nhấn mạnh thêm các nội dung như: giải quyết tình trạng giải phóng mặt bằng, các quy tắc ứng xử của cơ quan chức năng với người dân, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa các giải pháp nhằm xây dựng thành phố Hà Nội trở thành mô hình kinh tế mẫu mực của cả nước...
Đánh giá cao chất lượng và nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường mong muốn Báo cáo nhấn mạnh thêm các giải pháp nhằm phát huy và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống; trách nhiệm trong việc xử lý các đơn thư của người dân. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần bổ sung nội dung phát triển giao thông ở khu vực phía Nam thành phố, từ đó tạo ra sự phát triển đồng đều cho Thủ đô và củng cố, hình thành các tam giác kinh tế là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Hà Nội - Thanh Hóa - Hà Tĩnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở những ý kiến góp ý, Hà Nội sẽ tiếp thu tối đa, cân đối hơn trong kết cấu Dự thảo Báo cáo chính trị, hướng đến mục tiêu xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đạt chất lượng cao, nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.