Duyên Thái (Hà Nội) khai thác thế mạnh nông thôn mới phát triển du lịch

Xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) đang tập trung thu hút khách từ thế mạnh làng nghề truyền thống sơn mài và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Liên kết tuyến điểm

Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín giới thiệu chương trình du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái”.

Bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thường Tín cho biết, làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái) đã được công nhận điểm du lịch cấp thành phố, nhưng việc thu hút du khách gặp nhiều khó khăn do chưa có tour đặc trưng. Việc xây dựng chương trình du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái” tạo cơ hội cho người dân làng nghề giới thiệu những giá trị độc đáo của hai nghề làm sơn mài và làm đồ mã ở thôn Hạ Thái và thôn Phúc Am (xã Duyên Thái) tới du khách.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm làm sơn mài tại làng Hạ Thái (xã Duyên Thái).

Làng nghề sơn mài Hạ Thái đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm, sản xuất theo công nghệ thủ công, sử dụng nguyên liệu tự nhiên để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao và màu sắc bắt mắt. Còn Phúc Am là làng nổi tiếng với việc sản xuất vàng mã và đồ lễ gắn liền với văn hóa tâm linh và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2016).

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận là điểm du lịch làng nghề từ năm 2020, đúng thời điểm dịch COVID-19, nên chưa thu hút được đông du khách. Hiện nay, lượng khách trở lại Việt Nam đang dần hồi phục, để thu hút thành điểm du lịch, địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bãi đỗ xe, cảnh quang, lưu trú homestay, cửa hàng lưu niệm, xưởng sản xuất và tăng tính trải nghiệm của du khách…

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Hà Nội với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Sở Du lịch triển khai xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản – di tích và làng nghề theo tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên trong năm 2024.

Do đó, sự phối hợp giữa các đơn vị du lịch và các cơ sở sản xuất, nghệ nhân, hoạ sĩ tại địa phương hướng tới giới thiệu sản phẩm sơn mài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn thể hiện tinh hoa và sự sáng tạo. Đồng thời, mở rộng giới thiệu tới làng nghề Phúc Am qua những giá trị độc đáo gắn liền với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam.

Nông thôn mới kiểu mẫu thúc đẩy thu hút khách

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Bí thư Đảng uỷ xã Duyên Thái cho biết, xã có 3 thôn và 1 khu vực dân cư gồm: Thôn Duyên Trường, thôn Hạ Thái, thôn Phúc Am và Khu dân cư ven tuyến Quốc lộ 1A. Xã có 3.681 hộ với 12.510 nhân khẩu, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Clip bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Bí thư Đảng uỷ xã Duyên Thái chia sẻ về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch:

“Hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Duyên Thái tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, xóm, đường ngõ, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%. Xã không còn hộ nghèo; hộ cận nghèo của xã 34 hộ/3.681 hộ chiếm tỷ lệ 0,92% tổng số hộ. Năm 2023, Thu nhập bình quân đầu người nâng lên đạt 72,48 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới từ đầu năm 2024 đến nay đạt trên 8,6 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Duyên Thái xác định  vai trò quyết định của công tác nâng cao nhận thức của người dân. Công tác tuyên truyền được thường xuyên, liên tục, đổi mới, đa dạng các hình thức thông qua các mô hình, cách làm sáng tạo... Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có những thay đổi chuyển biến rõ rệt, người dân đã nhận thức được vai trò làm chủ và tích cực tham gia đóng góp xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Phùng Quang Thắng nhận xét: “Mô hình 'Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái' nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo xã và các nghệ nhân. Mô hình này đi sâu vào trải nghiệm cách làm ra sản phẩm sơn mài tinh tế và văn hoá thờ Mẫu của người Việt Nam. Điểm nhấn của mô hình là khai thác giá trị nghệ thuật để hướng tới du khách nước ngoài. Nhờ có sự thay đổi này, lượng khách quốc tế đến với điểm du lịch Duyên Thái đang tăng dần trong thời gian qua”.

Chú thích ảnh
Sản phẩm tại làng làm hàng mã Phúc Am. 

Tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó hỗ trợ cho phát triển du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa cho rằng, giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu yêu cầu các tiêu chí cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. 

Chú thích ảnh
Hướng dẫn viên giới thiệu về quy trình làm sơn mài truyền thống.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nghề truyền thống đổi mới thu hút du khách, tiêu thụ sản phẩm, xã Duyên Thái phối hợp với các hội đoàn thể mở các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh, nâng cao tay nghề; đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề của địa phương; liên kết với đơn vị làm du lịch xây dựng điểm đến, kết nối tour đưa khách về với làng nghề.

Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Thường Tín đã về kiểm tra kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Duyên Thái. Căn cứ theo Quyết định 319 của Chính phủ, kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Duyên Thái đều đạt hai tiêu chí bắt buộc là tiêu chí thu nhập và tiêu chí thôn thông minh. Bên cạnh đó, có 3 lĩnh vực xã Duyên Thái đăng ký để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là: Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo; lĩnh vực Văn hóa; lĩnh vực Du lịch, qua rà soát. 
Bài, ảnh, clip: XL - HP/Báo Tin tức
Kết nối việc làm cho lao động từng đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản
Kết nối việc làm cho lao động từng đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản

Ngày 8/11 tại Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội chợ việc làm cho lao động EPS (lao động Việt Nam được cấp phép làm việc tại Hàn Quốc) và thực tập sinh IM Japan (thực tập kỹ thuật Việt Nam làm việc tại Nhật Bản) về nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN