16 quận, huyện của Thủ đô không còn hộ nghèo

UBND thành phố Hà Nội vừa giao kế hoạch giảm nghèo năm 2023 cho các quận, huyện trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Hà Nội hiện có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số. Trong đó, tại 12 quận chỉ còn 6 hộ nghèo tập trung ở quận Hoàng Mai; 18 huyện, thị xã còn lại có 2.128 hộ nghèo, chiếm 0,17% dân số của vùng. Các hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức... Đáng chú ý, 5 huyện đang nỗ lực xây dựng lên quận không còn hộ nghèo như Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì. Như vậy, toàn thành phố hiện có 16 quận, huyện không còn hộ nghèo.

UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu năm 2023, số hộ nghèo toàn thành phố giảm còn 642 hộ; trong đó tại 12 quận chỉ còn 4 hộ nghèo; 18 huyện, thị xã còn 638 hộ nghèo.

UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện căn cứ các quy định pháp luật, các chính sách giảm nghèo hiện hành và điều kiện thực tế tại địa phương, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để hộ tái nghèo.

Có thể nói các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong thời gian dài vừa qua. Mỗi năm thành phố dành nguồn lực đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng, văn hóa và phát triển nông thôn mới. Mỗi dịp lễ, Tết, thành phố trích ngân sách hàng ngàn tỷ thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo, hưu trí. Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát động phong trào đóng góp quỹ "Vì người nghèo" để giải quyết khó khăn, cứu đói, hỗ trợ xây dựng nhà, thăm hỏi hàng ngàn hộ.

Năm 2023, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ngành, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đầu tư tốt nguồn lực cho nông thôn, đến nay Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Khi có cơ sở hạ tầng, cùng với việc được hỗ trợ vốn vay từ nhiều nguồn, nhiều địa phương, hợp tác xã, hộ gia đình đã chủ động sản xuất thâm canh chất lượng cao, nhiều vùng chuyên canh, làng nghề hoạt động quy mô lớn, chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho nhân dân vùng khó khăn.

Thành phố quan tâm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP gồm: 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp...

Chỉ tính riêng năm 2022, thành phố Hà Nội đã dành tổng kinh phí cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 22.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố gần 11.000 tỷ đồng.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Số hộ nghèo đa chiều theo các vùng
Số hộ nghèo đa chiều theo các vùng

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52% với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN