Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng: Phán quyết “có hậu” và bài học lớn

Phán quyết cuối cùng đã được tuyên bố, đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi căng thẳng kéo dài từ cuối năm cũ sang đầu năm mới Nhâm Thìn giữa một bên là những người cầm cân nảy mực ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng còn bên kia là người dân và sự hậu thuẫn lẽ phải của các cơ quan thông tấn báo chí và sự theo dõi sát sao của dư luận cả nước.

Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ huyện Tiên Lãng thành phố Hải phòng. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai..”. Kết luận của người đứng đầu hệ thống hành pháp cả nước đã không chỉ loại bỏ hoàn toàn sự hoài nghi về sự công minh của pháp luật, lấy lại niềm tin cho những người dân bình thường mà còn là lời cảnh báo đối với những "quan chức" chưa làm tròn bổn phận “công bộc” của dân.

Vụ nổ súng trong đầm tôm nhà ông Vươn là việc rất đáng tiếc, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Thấu lý đạt tình trong quá trình xử lý vụ việc này đồng nghĩa với việc củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước; xác định lại ý thức trách nhiệm, lương tâm của cán bộ, công chức nhất là ở cấp cơ sở trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Với cương vị người đứng đầu Chính phủ, phải giải quyết hàng núi công việc đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của đất nước, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lưu tâm đến vụ việc ở Tiên Lãng. Ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra, làm rõ 3 vấn đề: Việc giao đất, thu hồi đất đúng - sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cá nhân nào; việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không; việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn, ai chủ trương, ở cấp nào… và báo cáo để Thủ tướng quyết định hướng xử lý vụ việc.

Trong suốt hơn một tháng , "vụ việc Tiên Lãng” đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhân dân cả nước, từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đến các đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.... Sau hàng loạt các ý kiến, phát ngôn của các giới qua kênh báo chí, mọi người cùng quan tâm và nóng lòng chờ đợi kết luận của Thủ tướng xung quanh vụ việc này.

Không riêng người dân Tiên Lãng mà đồng bào cả nước đồng tình và thỏa mãn với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những sai trái của cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp từ xã, huyện đến thành phố đã được làm rõ, đặc biệt là kết luận hợp tình, hợp lý và làm người dân xúc động khi kiến nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét tình tiết giảm nhẹ cho ông Vươn và những người đã tham gia chống lại người thi hành công vụ khi đưa vụ án ra xét xử và xem xét cho gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng khu đất theo quy định của pháp luật.

Kết luận công tâm, xử lý vụ việc một cách quyết liệt đã thể hiện trách nhiệm cao của người đứng đầu Chính phủ trước dư luận và nhân dân cả nước. Cả việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gặp mặt báo chí để thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi buổi làm việc vừa kết thúc cũng thật nóng hổi, mang đậm tính công khai, minh bạch và mẫu mực trong cách điều hành, quản lý của Thủ tướng và Chính phủ. Kết luận của Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ trong việc thẳng thắn nhìn nhận những bất cập của nền hành chính, những khiếm khuyết của hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, đồng thời thể hiện tinh thần cầu thị, ý thức trách nhiệm rất cao.

Đối với mỗi nhà báo, nhất là những nhà báo trực tiếp tham gia đưa tin, viết bài về vụ việc này và những chuyên gia, những cán bộ lão thành Cách mạng ắt hẳn đều cảm thấy hài lòng vì qua lời thuật lại của Người phát ngôn Chính phủ, trong lời khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh sự dấn thân của các nhà báo, sự lên tiếng mạnh mẽ của các chuyên gia và dư luận xã hội về vụ việc, giúp Chính phủ có cái nhìn tổng thể, toàn diện trong nhận định về vụ việc.

Sau hơn 30 ngày làm “nóng” dư luận, trở thành câu chuyện đầu ngày từ cơ quan, công sở đến quán nước vỉa hè, từ lũy tre làng đến mọi nẻo đô thị, vụ thu hồi đất, cưỡng chế và hủy hoại tài sản công dân ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã tạm thời lắng lại với quan điểm xử lý kiên quyết, mạnh mẽ thấu tình, đạt lý của lãnh đạo Chính phủ. Tiếp theo đây, nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu ở thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang… sẽ tiếp tục phải kiểm điểm, phải nhận kỷ luật, thậm chí nhận hình phạt theo Luật hình sự. Đến giờ phút này, Hải Phòng đã nhận ra rằng, đây là một việc lớn và rất nghiêm trọng chứ không phải là một 'chuyện thường ngày ở huyện' nữa. Bên cạnh đó, dưới sự giám sát của Chính phủ, sự vào cuộc của cả bộ máy hành pháp, tư pháp và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương cùng sự quan sát, theo dõi của các cơ quan báo chí với hàng trăm phóng viên, nhà báo của cả nước, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vụ việc sẽ được xử lý triệt để, quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo trên tinh thần thượng tôn luật pháp.

Bài học lớn nhất từ Tiên Lãng không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ mà chính là phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý, giám sát của bộ máy quản lý và các tổ chức đoàn thể cùng nhân dân trong những công việc cụ thể của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận rất rõ: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai”.

Không phải vô lý khi có tới 70% các vụ khiếu kiện của nhân dân là liên quan đến đất đai. Vào thời điểm này, không chỉ Quốc hội, mà cả hệ thống chính trị đang tập trung cho nỗ lực sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập sâu của đất nước, mà một trong những nội dung quan trọng bậc nhất cũng chính là chính sách pháp luật về đất đai. Từ góc độ tổng thể, kết luận của Thủ tướng đã chỉ ra bản chất sâu xa của vấn đề, đặc biệt là khởi động cho những định hướng quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai.

Sự kiện Tiên Lãng đã lắng lại một cách “có hậu” và quan trọng hơn, đã trở thành một lời cảnh tỉnh sâu sắc về “cái tâm” của cán bộ và là bài học kinh nghiệm lớn trong công tác quản lý đất đai ở mọi vùng miền trên địa bàn cả nước.

TTN

Hội Nông dân VN đồng tình với kết luận của Thủ tướng về vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng
Hội Nông dân VN đồng tình với kết luận của Thủ tướng về vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng khẳng định: Trung ương Hội hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Văn phòng Chính phủ và đồng tình với kết luận của Thủ tướng về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN