Tàu cao tốc Hoàng Phúc vừa thoát được một thảm họa khi đang chở 175 hành khách từ đảo Phú Quý vào Phan Thiết thì bị sóng đánh vỡ vỏ tàu. Hành khách trên tàu đã may mắn được bộ đội biên phòng Bình Thuận phối hợp với huyện đảo Phú Quý điều lực lượng và tàu ra cứu hộ kịp thời nên đã bình an vô sự. Tuy nhiên, sau chuyến tàu may mắn này, hành khách đi tàu đã không thể yên tâm khi đi trên các phương tiện giao thông thủy.
Vì sao?
Thứ nhất là trong thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông thủy. Có vụ gây thương vong cho du khách như tàu du lịch ở Hạ Long, có vụ tàu hư hỏng, va chạm gây nguy hiểm cho hành khách như tàu cánh ngầm từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu. Và mới đây nhất là vụ tai nạn thảm khốc do đắm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương; và còn rất nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy khác tại những vùng sông nước do tàu thuyền gây ra...
Thứ hai là sau một loạt các tai nạn diễn ra như vậy, các cơ quan chức năng đều có các biện pháp kiểm tra nhằm tìm ra nguyên nhân và khắc phục các sai sót trong ngành giao thông đường thủy thì người ta mới phát hiện ra một loạt những "sai phạm chết người". Những sai phạm đó làm tăng thêm nguy cơ hiểm họa cho giao thông thủy; đặc biệt là vận tải hành khách công cộng. Từ kết quả của các cơ quan chức năng công bố người ta thấy rõ sai phạm của các chủ tàu, của người điều khiển phương tiện là hết sức tùy tiện, coi thường tính mạng hành khách, nhiều phương tiện cũ kỹ, không bảo đảm chất lượng chở khách cũng như những thiết bị cứu hộ, an toàn giao thông thủy không bảo đảm theo qui định mà vẫn hoạt động, trong đó có nhiều trường hợp chủ tàu "qua mặt" cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trong vụ tai nạn của tàu Hoàng Phúc dư luận hết sức ngạc nhiên khi con tàu có xuất xứ từ Ôxtrâylia này vừa mới được Cục Hàng hải cấp phép hoạt động, mới chở được một chuyến khách đầu tiên từ Phan Thiết ra Phú Quý, khi quay lại thì đã gặp nạn. Một con tàu cao tốc được chế tạo từ chất liệu nhôm và nhựa composit mà bị sóng biển đánh vỡ. Ngay cả các khung cửa kính cũng bị vỡ trong tình huống sóng biển bình thường. Như vậy chất lượng con tàu đó không bảo đảm hoạt động trên biển. Có thể nhìn bên ngoài những người không có chuyên môn và các thiết bị chuyên dùng để kiểm tra sẽ không thể đánh giá được chất lượng của con tàu, nhưng cơ quan kiểm định với chuyên môn của mình cùng các thiết bị hỗ trợ chắc không khó để đánh giá đúng chất lượng con tàu.
Vậy thì vì sao một con tàu vừa đi vào hoạt động đã suýt nữa gây ra thảm họa, đe dọa tính mạng của 175 hành khách và thủy thủ đoàn? Cục Hàng hải có trách nhiệm đến đâu trong vụ cấp phép cho con tàu hoạt động? Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan và Bộ Giao thông Vận tải cần làm rõ bản chất của vụ việc để hành khách có thể yên tâm trên các hải trình với những con tàu đã được kiểm định và có giấy phép hoạt động.
Nguyễn Quang Vinh