Trả giá vì bao che cho tội phạm

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V, Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ 5 tỷ đồng của Phan Văn Anh Vũ là một dẫn chứng điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. 

Chú thích ảnh
Thẩm phán, Chủ tọa Phiên tòa Nguyễn Xuân Văn tuyên án các bị cáo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ngày 6/11, Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Duy Linh (sinh năm 1971, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, cựu sĩ quan công an, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) 7 năm 6 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”, Hồ Hữu Hòa (sinh năm 1984, trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị tuyên phạt 2 năm 7 tháng 25 ngày tù về tội “Môi giới hối lộ”.

Đây cũng là một vụ án mà việc đưa hối lộ và nhận hối lộ đã bị cơ quan điều tra vạch trần bằng những chứng cứ thuyết phục khiến các đối tượng phải cúi đầu nhận tội. Trong nhiều vụ án khác, hành vi nhận hối lộ để tiếp tay cho tội phạm thường rất khó bị phát hiện cũng như tìm chứng cứ chứng minh. Tuy nhiên “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát”, những cán bộ có trách nhiệm bị tha hóa biến chất, đánh mất mình trước những cám dỗ để tiếp tay cho tội phạm đều phải trả giá.

Nhìn lại những vụ án mà có sự tiếp tay trực tiếp hay gián tiếp của các cá nhân có trách nhiệm trong cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta đều thấy hậu quả để lại là những vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng, mất trật tự an toàn xã hội, bức xúc trong quần chúng nhân dân và nghiêm trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. 

Trong vụ án đánh bạc qua mạng nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, hành vi bao che của Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã giúp cho đường dây cờ bạc này tồn tại và phát triển quy mô cực lớn, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, mới đây, khi xét đặc xá trái quy định cho Phan Sào Nam, nhiều cán bộ, đảng viên của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bị kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Ban cán sự đảng (BCSĐ), đồng chí Bí thư BCSĐ các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, một số đồng chí Uỷ viên BCSĐ, lãnh đạo và cán bộ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; vi phạm các Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, BCSĐ TAND tỉnh; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện. Vi phạm của BCSĐ TAND tỉnh Quảng Ninh và các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và uy tín của tổ chức đảng, của ngành Tòa án.

Với những ổ nhóm tội phạm hoạt động kiểu “xã hội đen”, chúng ta cũng thấy một phần nguyên nhân để chúng lộng hành là có sai phạm của cơ quan chức năng khi không xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội. Vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình mới đây là một ví dụ, hai cán bộ công an đã bị bắt tạm giam về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hay trước kia là tổ chức tội phạm của Năm Cam gây nhức nhối ở Thành phố Hồ Chí Minh một thời gian dài cũng là nhờ sự bảo kê của một số cán bộ công an biến chất.

Với các vụ án tham nhũng, hoạt động điều tra, xử lý vi phạm cũng thường bị cản trở bởi đối tượng phạm tội có tiền, có quyền, có quan hệ để tác động đến người có trách nhiệm. Vụ án Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chi tiền mua thông tin từ cán bộ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường có liên quan đến gia đình Chung hòng tìm cách đối phó là một dẫn chứng. 

Điểm lại một số vụ án cho thấy sự cấp thiết của Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm vừa ban hành thay thế Quy định số 47-QĐ/TW (ngày 1/11/2011). Một trong những điểm mới nổi bật của Quy định số 37-QĐ/TW là bổ sung Điều 13 cấm đảng viên: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.

Cũng cần khẳng định rằng, việc xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ có hành vi vi phạm, loại bỏ những “con sâu” trong hàng ngũ không phải là lý do để các thế lực thù địch xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta. Mà ngược lại, điều này càng khẳng định bản chất dân chủ, tiến bộ của chế độ, tính tiên phong gương mẫu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Chính bởi vậy, quán triệt thực hiện nghiêm Quy định 37-QĐ/TW sẽ càng giúp cho cán bộ, đảng viên phòng tránh được từ sớm, từ xa những cám dỗ, những sai lầm mà khi hối hận thì đã không kịp.

Trần Ngọc Tú
'Vùng cấm' đối với đảng viên
'Vùng cấm' đối với đảng viên

Trước yêu cầu mới của thực tiễn hiện nay, Đảng vừa ban hành quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chỉnh đốn Đảng; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của đảng viên và phòng tránh những sai lầm, thiếu sót trên tinh thần “tự soi, tự sửa, tự chịu trách nhiệm”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN