Tiền thật hoa giả

Đã từ lâu, những vòng hoa viếng các đám tang ở Hà Nội và nhiều địa phương khác hầu hết là hoa giả (theo nghĩa giả tạo, khác với hoa nhân tạo), mặc dù khi mua những vòng hoa này, người ta phải trả tiền thật.


Tiền thật mà hoa giả - giả công khai. Biết giả mà vẫn mua. Thật trớ trêu!


Những người “sản xuất” và buôn bán những vòng hoa giả này đúng là “làm chơi ăn thật”, mà là “ăn đậm”, rất “đậm”. Có những đám tang được viếng đến mấy trăm vòng hoa, mỗi vòng giá thấp nhất cũng 200.000 đồng (giá ở nội thành Hà Nội). Chỉ một đám tang như vậy, họ đã bỏ túi mấy chục triệu đồng ngon ơ, mà vốn và công bỏ ra chẳng đáng bao nhiêu.


Nguyên liệu chính để làm loại hoa giả này (chỉ để viếng đám ma) là một loại mút mỏng (trông như giấy) được để trắng hoặc nhuộm đỏ, nhuộm vàng cho giống với mầu một số loài hoa thật. Mỗi “bông hoa” (tốn một miếng mút rộng chừng nửa bàn tay người lớn) được buộc vào một que tre, cắm vào phôi, kết thành vòng lẫn với một ít, rất ít hoa thật, gọi là cho có. Thậm chí có vòng toàn hoa giả.


Các “nhà sản xuất” hoa giả loại này hưởng lợi mọi nhẽ. Nguyên liệu làm hoa rẻ. Cách làm hoa quá dễ (không mất nhiều công, không phải qua đào tạo nghề). Hoa để bao lâu cũng không héo, nên họ chẳng lo ế như những người bán hoa thật, và cũng chẳng cần phải gượng nhẹ “nâng như nâng trứng…” như bảo quản hoa tươi. Chưa hết, vì tiền và thất nhân tâm, nhiều người còn tham gia vào hoạt động “quay vòng” những vòng hoa giả đã viếng đám ma. Như vậy, có không ít hoa giả thuộc loại “second hand” (đã qua một người sử dụng) hoặc “third hand” (đã qua 2 người sử dụng) hoặc hơn nữa…. Thực tế, những cái hoa giả loại này được “quay” qua bao nhiêu vòng sử dụng thì chỉ có ma (nếu là có ma thật) mới biết.


Báo PetroTimes hồi tháng 6 năm nay cũng đã có bài phản ánh “công nghệ” xử lý các vòng hoa đã qua sử dụng ở nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). Theo đó, các vòng hoa viếng đưa theo đám tang đến nghĩa trang này được thu gom đưa về một địa điểm ở phía sau nghĩa trang để phân loại. Các mút hoa giả được rút ra khỏi phôi vòng, được để riêng theo từng loại màu, xếp vào bao tải, rồi được bán lại cho các cơ sở “chế tạo” hoa vòng. Trong đó, mút màu vàng, đỏ có giá đắt hơn: 45.000 đồng/kg, mút trắng có giá 40.000 đồng/kg. Để thuận tiện cho việc bảo quản, đóng gói, giao hàng cũng như vận chuyển, mút hoa được đóng vào bao tải với trọng lượng 4 kg/bao. Ngoài ra, còn có loại hàng “ăn thẳng”, tức là những vòng hoa còn nguyên vẹn gần như đến 90%, khi lấy về chỉ cần chỉnh sửa lại một chút là có thể bán được.


Những người đi viếng đám ma, thực tình không ai muốn viếng bằng hoa giả. Họ phải “cầm lòng” mua hoa giả vào viếng, vì tất cả các vòng hoa làm sẵn bày bán ở cạnh các nhà tang lễ hoặc các điểm bán hoa đều là hoa giả như vậy. Muốn có một vòng toàn hoa thật, hoặc hoa thật nhiều hơn hoa giả, người ta phải đặt trước hoặc phải chờ đợi lâu, trong khi đa phần những người đi viếng đám tang đều rất vội, mà giá hoa thật lại đắt hơn nhiều.


Còn người chết, nếu như vẫn còn linh hồn để nhận biết, chắc hẳn chẳng “vui” khi thấy mình được viếng bằng hoa giả, hoặc tệ hơn là hoa giả “xê cân hen”.


Viếng đám tang bằng vòng hoa (thật) vẫn được coi là một nét văn hóa của người Việt ta. Nhưng quá nhiều vòng hoa, dù là thật hay giả, đưa đến viếng một đám tang thì quả thật là rất lãng phí tiền. Thêm nữa, viếng bằng hoa giả thì ý nghĩa của một nghĩa cử cao đẹp đâu còn nữa.


Ở nhiều nước tiên tiến, mỗi người đến viếng đám tang, nếu mang theo hoa, chỉ một hoặc một vài bông. Ít nhưng là hoa thật.


Thay đổi một tập quán, nhất là tập quán trong “ứng xử” với người quá cố, quả là không dễ. Nhưng rõ ràng viếng đám ma bằng những vòng hoa giả là điều không hay.


Không hay mà vẫn phải làm.


“Cầm lòng” vậy, nếu không chịu thay đổi.



Nguyễn Quốc Uy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN