Thu phí vỉa hè – hài hoà lợi ích kinh doanh và trật tự đô thị

Hè phố là không gian đi bộ, nhưng lâu nay nghiễm nhiên bị chiếm dụng để phục vụ kinh doanh, buôn bán và đủ mọi thứ hoạt động khác.

Những đợt ra quân “lập lại trật tự” thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ vừa kết thúc là vỉa hè lại lộn xộn, ngổn ngang như cũ. Tuy nhiên, một giải pháp đã được Hà Nội thử nghiệm và TP.HCM chuẩn bị triển khai, có thể giúp chấn chỉnh rốt ráo hơn với tình trạng này.

Chỉ còn vài ngày nữa, kể từ 1/1/2024, TP.HCM sẽ chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè với mục tiêu giúp công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nề nếp hơn, đồng thời có được nguồn thu để duy tu, bảo trì hạ tầng... Các tuyến phố có vỉa hè đáp ứng được cả yêu cầu về kinh doanh buôn bán cũng như hoạt động đi lại của người dân sẽ được cho đăng ký đóng phí sử dụng. Trước đó, từ năm 2022 thủ đô Hà Nội cũng đã tổ chức thí điểm thu phí vỉa hè tại một số tuyến phố có vỉa hè rộng của quận Hoàn Kiếm, như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo….

Ai cũng biết mục đích chính của vỉa hè là nơi lưu thông cho người đi bộ, nhưng thực trạng lâu nay là người đi bộ đã bị “đuổi” xuống lòng đường. Nơi vỉa hè chật hẹp thì đã đành, ngay cả những nơi vỉa hè rộng thì việc khai thác sử dụng cho các mục đích khác cũng không có giới hạn, trật tự nào cả. Những lần ra quân “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ thường kết thúc mà không mang đến bất kỳ hiệu quả lâu dài nào, thậm chí tình trạng lộn xộn tái diễn ngay khi kết thúc chiến dịch.

Một mặt khác, nền kinh tế vỉa hè ở nước ta là một thực tế không thể phủ nhận vì nó là sinh kế của hàng triệu người, cũng là một thói quen trong đời sống sinh hoạt của hầu hết người dân thành thị. Nhưng kinh tế vỉa hè cũng gắn với những hình ảnh không đẹp, từ lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, bày bán hàng quán, cho đến dừng đậu xe sai quy định. Nhiều năm qua, vỉa hè ở các đô thị lớn luôn nằm trong thế “giằng co”. Một bên là cơ quan chức năng nỗ lực ngăn cấm các hoạt động lấn chiếm, kinh doanh trên vỉa hè mà luật không cho phép. Một bên là người dân, doanh nghiệp bằng mọi cách bám trụ, kiếm sống trên vỉa hè. Đa số họ đều sẵn sàng nộp phí thuê vỉa hè để kinh doanh ổn định. Nhưng do không có cơ chế rõ ràng, luật Giao thông đường bộ thì quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, vì vậy mà người dân và chính quyền vẫn cứ xoay vần với điệp khúc “phạt - đuổi - tái diễn - lại phạt”. Cuộc “giằng co” chưa bao giờ có hồi kết đó gây ra những hệ luỵ lâu dài và phức tạp, khiến chính quyền các địa phương bối rối, còn một bộ phận người dân thì dần nhờn luật và ngày càng tùy tiện hơn. Và đáng tiếc nhất là nguồn lợi kinh tế chảy vào túi các cá nhân, còn nhà nước thì phải bỏ tiền duy tu, bảo trì, sửa chữa, xây dựng hạ tầng.

Một bộ mặt đô thị với vỉa hè thông thoáng, hoạt động kinh doanh cơ bản rút gọn vào trong nhà chắc chắn là viễn cảnh đáng mơ ước của một đô thị hiện đại. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, để hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu về trật tự đô thị, thì việc tổ chức quy hoạch lại một phần lòng đường, vỉa hè bằng phương án cho thu phí là giải pháp cần thiết và phù hợp, ít nhất là trong ngắn và trung hạn.

Cái lợi thì rõ rồi. Những nơi vỉa hè được thu phí cũng giống như nơi được quy hoạch, quản lý đồng bộ: từ kẻ vạch phân chia rõ ràng vùng được khai thác sử dụng, vùng thông thoáng cho người đi bộ; cho đến ý thức rất khác giữa người bỏ tiền nộp phí với người tuỳ tiện “dùng chùa”, và sự sát sao của các cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát. Vỉa hè ngay ngắn, người đi bộ có lối riêng, mà kinh tế vỉa hè vẫn hoạt động nhịp nhàng, trật tự. Bản thân những người thuê vỉa hè cũng an tâm làm ăn buôn bán, không phải “lót tay” riêng hoặc cứ nơm nớp điệp khúc “chạy và chạy”, để rồi không kịp “chạy” thì bị tịch thu đồ đạc.

Vấn đề ở đây là chủ trương phù hợp nhưng tổ chức thực hiện cho thuê thế nào, mức thu, minh bạch nguồn thu và có đảm bảo giám sát người thuê tuân thủ quy định hay không. Tất cả đều rất cần quy định chặt chẽ về thực hiện và giám sát, không để kẽ hở phát sinh tiêu cực. Để tránh trục lợi, mức giá cho thuê vỉa hè cần được đấu thầu công khai, minh bạch, quản lý bằng số hóa và mọi người có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Nguồn thu từ phí vỉa hè cũng phải được quản lý chặt chẽ, chi dùng hợp lý cho việc tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè.

Bên cạnh đó cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm sao phải hài hòa lợi ích giữa các bên gồm nhà nước, người chủ nhà liền với vỉa hè và người thuê. Việc tính phí lòng đường, vỉa hè chỉ có thể thành công nếu như có sự đồng thuận giữa các bên liên quan, và được sự ủng hộ, giám sát của toàn thể người dân.

Thu Hằng
Tham gia MXH có trách nhiệm
Tham gia MXH có trách nhiệm

“Đừng xem tóp tóp quá 180 phút” là một câu nói vui, nhưng nó cũng là một “cảnh báo” cho những người tham gia mạng xã hội (MXH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN