Thô bạo với di tích

Sau những tai tiếng về vụ “làm mới” chùa Trăm Gian xảy ra cách đây chưa lâu, dư luận lại hết sức bất ngờ trước việc trùng tu theo kiểu phá cũ làm mới xảy ra mới đây tại di tích chùa Sổ, thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lại thêm một bài học chua xót về sự can thiệp thô bạo của con người thông qua công tác trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa mà cha ông ta để lại.

 

Với công trình trùng tu chùa Sổ, đơn vị thi công đã không thực hiện đúng quy định trước khi hạ giải, khiến những cấu kiện gốc của di tích bị hư hỏng nặng. Ngôi chùa cổ giờ ngổn ngang những mảnh vỡ của ngói, vôi vữa, gạch vỡ, những hoành, rui, những mảng chạm có từ thời Lê... Hạng mục Tam Bảo của chùa bị hạ giải toàn bộ phần mái gồm các cấu kiện như ngói, bờ nóc, bờ giải, góc đao và hệ hoành, rui, thượng lương. Thượng điện với gạch cổ in hình rồng, phượng, lân, hổ, hoa cỏ đặc trưng của thế kỷ 17 (chỉ rất ít chùa có được)..., giờ cũng thành phế thải. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa, bỗng xuất hiện tòa nhà lục giác, là hạng mục mới, không có trong thiết kế thi công.


Khi được truy vấn về việc làm tùy tiện, dẫn đến hậu quả khôn lường, đại diện đơn vị thi công cho rằng, họ chỉ thực hiện không đúng, chứ không có chuyện phá chùa. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu - GS Trần Lâm Biền: “Không hiểu di tích, không có sự bảo trợ, chỉ dẫn của nhà chuyên môn, thì nhất định là phá chứ đâu phải tu bổ. Bởi vì, lấy cơ sở khoa học nào để tu bổ, lại làm sai pháp luật là phá rõ ràng”.


Nói vậy, không thể đổ lỗi hết cho đơn vị thi công. Bởi, những người thợ chỉ đơn thuần thực hiện công việc, họ không được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực trùng tu di sản văn hóa... Do vậy, lỗi ở đây là của cơ quan chức năng do chưa ý thức rõ trách nhiệm, chưa nhận thức đúng về giá trị của một di tích lịch sử văn hóa, thiếu hướng dẫn, giám sát, nên phó mặc một công việc hệ trọng cho đơn vị thi công.


Không phải đợi đến trường hợp chùa Sổ, dư luận mới đau xót với tình trạng thi công tu bổ như phá di tích. Hàng loạt di tích bị phá bỏ, làm mới không thương tiếc đã từng xảy ra, như khu di tích Lam Kinh (công trình duy nhất còn lại của thời Lê Sơ), đình Kim Liên, chùa Trấn Quốc, hay thành nhà Mạc, đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc)... Chùa Trăm Gian hàng nghìn năm tuổi đã bị hủy hoại, các dãy hành lang được xây mới, đánh bóng cột kèo, gác khánh cổ kính bị đập nát, xây mới.

 

Chùa Một Cột, làng cổ Ðường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Chùa Ðậu... trong một thời gian dài trở thành điểm nóng của dư luận và phải tốn nhiều kinh phí để khắc phục, sửa chữa sai sót. Rồi di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam bị biến dạng bởi người ta tự ý xây bờ kè Suối Thẻ. Di tích văn hóa - tôn giáo Chùa Dơi ở Sóc Trăng bị nhiều loại hình dịch vụ bao quanh, mất hết vẻ tôn nghiêm, u tịch, khiến cho đàn dơi hàng nghìn con bám trên các cây sao lần lượt và lặng lẽ bay đi... Thiếu tầm nhìn, thiếu kiến thức và hiểu biết về công tác trùng tu di tích... là những nguyên nhân dẫn tới nhiều công trình kiến trúc cổ, có giá trị về lịch sử văn hóa mà cha ông ta để lại, đang có nguy cơ mất dần.


Cũng theo GS Biền, sai phạm lặp lại, ngày càng nghiêm trọng, do những người thực hiện không hiểu di sản văn hóa. Quả thực, cái đáng lo hiện nay là công tác trùng tu bảo tồn di tích đang trở thành tôn tạo di tích theo cách đại tùy tiện. Còn GS.TS Hoàng Đạo Kính nhận định, “đó là những cuộc tôn tạo văng mạng, biến di tích thành phế tích”. Việc ứng xử thô bạo với di tích là có tội với quá khứ, với lịch sử văn hóa của dân tộc.


Liệu còn cứu được chùa Sổ? Đó là một câu hỏi thật khó trả lời khi mà sự vào cuộc của cơ quan chức năng quá chậm trễ.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN