Thấp thỏm thuỷ điện xả lũ

Mỗi lần thuỷ điện tiến hành xả lũ, ngay cả khi xả lũ “đúng quy trình”, người dân vùng hạ du vẫn lo lắng, thấp thỏm.

Khi hồ chứa đầy nước, việc các nhà máy thuỷ điện điều tiết xả lũ là bắt buộc. Việc xả lũ cũng phải tuân thủ chặt chẽ các bước theo đúng quy trình, để đảm bảo an toàn cho công trình, tránh đến mức thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân trong đời sống, sản xuất,… ở vùng hạ du. Nhưng tại sao vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra, mà gần đây nhất là vụ xả lũ ở Thuỷ điện Đồng Nai 2 và Thuỷ điện Thác Bà.

Chú thích ảnh
Do lũ trên thượng nguồn về lớn nên mức xả của hồ Thủy điện Thác Bà những ngày vừa qua là cao nhất tính từ năm 1996 đến nay. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại hồ Thuỷ điện Thác Bà, do lũ trên thượng nguồn về lớn, mức xả của hồ Thủy điện Thác Bà những ngày qua là cao nhất, kể từ năm 1996 đến nay. Quá trình xả lũ đã gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và sản xuất của người dân các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Yên Bình. Ngày 5/8, có 49 nhà dân, 30 xưởng gỗ cùng nhiều diện tích hoa màu… bị ngập úng. Đến 15 giờ 30 phút ngày 6/8, mực nước tại hồ Thác Bà đã rút dần nhưng vẫn còn 22 ngôi nhà và 14 xưởng gỗ bị ngập, ảnh hưởng. 

Trước đó, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 mở cửa đập xả lũ (ngày 6/6). Dòng nước lớn bất ngờ đổ về hạ lưu khiến nhóm thanh niên 5 người đang tắm dưới sông Đồng Nai (thuộc địa phận thôn 3, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh) không kịp vào bờ, phải trèo lên một tảng đá giữa sông trong khi nước mỗi lúc một chảy xiết, dâng cao. Rất may, do phát hiện kịp thời, nên các lực lượng chức năng đã giải cứu được các nạn nhân. 

Việc xả lũ của Thuỷ điện Thác Bà đựợc thực hiện theo đúng quy trình khi có Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cũng ban hành công văn yêu cầu đảm bảo an toàn hạ du khi thủy điện xả lũ. Nhưng thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân vẫn xảy ra. Còn vụ việc ở Thủy điện Đồng Nai 2, theo UBND xã Đinh Trang Thượng, chính quyền địa phương không hề nhận được thông báo xả lũ nên không có thông tin để cảnh báo người dân. Vụ việc đã được xử lý kịp thời, nếu không thì hậu quả sẽ thật khó có thể lường hết được.

Chú thích ảnh
Đến chiều ngày 6/8, mực nước tại hồ Thác Bà đã rút dần nên còn lại 22 ngôi nhà và 14 xưởng gỗ bị ngập, ảnh hưởng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Việc thuỷ điện xả lũ “theo quy trình” nhưng vẫn gây ảnh hưởng hay việc xả lũ mà “quên” không thông báo, không phải là việc hi hữu, trước đây đã từng có những vụ việc tương tự xảy ra. Thậm chí, có một thuỷ điện xả lũ có thông báo, nhưng người dân lại… không biết (?!), hay có thuỷ điện thông báo xả lũ nhưng thông báo trên loa cách 2km mà “loa hỏng” nên người dân không nghe thấy.

Những vụ việc như trên xảy ra cho thấy, trong quá trình điều tiết xả lũ hiện nay ở một số nhà máy thuỷ điện vẫn còn bất cập. Việc thiếu trách nhiệm, nếu không nói là “tắc trách” sẽ gây hậu quả khôn lường, thiệt hại về người và tài sản không thể đo đếm được. 

Hiện nay, việc xả lũ phải tuân thủ chặt chẽ các bước theo đúng quy trình, nhưng “đúng quy trình” cần phải được gắn với trách nhiệm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Việc “thực hiện nghiêm túc quy trình” không phải khô cứng ở “trách nhiệm” thuỷ điện xả lũ “đã được thông báo” trước 8 tiếng hay 12 tiếng; mà cần đảm bảo thông tin đã đến được với người dân hay chưa. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, tại cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ngày 15/7 đã đặc biệt lưu ý thuỷ điện trong mùa mưa lũ năm nay, các hồ thuỷ điện phải tuân thủ quy trình vận hành để đảm bảo an toàn; trước khi xả lũ phải có thông báo trước, gửi đến đúng địa chỉ.

Trong Công điện số 75/CĐ-TTg mới đây (ngày 4/8) Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nước lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, hồ thủy điện; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trong mọi trường hợp, chủ động phòng chống thiệt hại, phòng tránh ngập úng cho hạ du vẫn phải đặt lên trước nhất, cao nhất. Các nhà máy thuỷ điện bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành nhà máy thì phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện hiệu quả các phương án bảo vệ hồ đập, ứng phó thiên tai; nhất là có các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các lực lượng chức năng ở địa phương rà soát phương án chống lũ, đặc biệt khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, khu dân cư ở bãi sông.

Trên hết, người dân cần chủ động bảo vệ người và tài sản, tuân thủ mọi quy định khi thuỷ điện xả lũ; không chủ quan, bất chấp nguy hiểm như một số người đã xuống sông Đà tắm ngay cả khi Thuỷ điện Hoà Bình mở cửa xả đáy (ngày 16/7) vừa qua. Việc người dân đến xem xả lũ cũng cần có biện pháp đảm bảo an toàn, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Xuân Phong/Báo Tin tức
Gần 80 xưởng gỗ và nhà dân bị ngập do thủy điện Thác Bà xả lũ
Gần 80 xưởng gỗ và nhà dân bị ngập do thủy điện Thác Bà xả lũ

Quá trình xả lũ đã gây thiệt hại 49 nhà dân và 30 xưởng gỗ. Cụ thể, tại thị trấn Thác Bà có 10 nhà dân, 5 xưởng gỗ bóc, xưởng mộc, xưởng ván ép và máy móc bị nước ngập ảnh hưởng; xã Yên Bình có 11 nhà và 1 xưởng sản xuất; xã Hán Đà có 1 nhà và xã Vĩnh Kiên có ở 27 hộ dân, 24 xưởng sản xuất gỗ bị thiệt hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN