Tết sum vầy hay Tết an toàn?

Cần khẳng định luôn, vào “năm COVID-19 thứ 2” này, Tết sum vầy phải nhường chỗ cho Tết an toàn.

Tết an toàn chính là trọng tâm khuyến cáo Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan tràn trên toàn cầu và vừa bùng phát lại ở Việt Nam. Trong thông điệp, Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam nêu rõ: “SỨC KHỎE là món quà quý nhất chúng ta có thể dành cho nhau trong dịp Tết này!”

Thành phố Hà Nội, nơi có 23 ca mắc COVID-19, đã vừa ra chỉ thị mới khuyến khích mọi người không ra khỏi nhà khi không cần thiết, hạn chế đi lại dịp Tết Nguyên đán. Thành phố Hồ Chí Minh, dù chỉ có ít ca mắc, nhưng chính quyền cũng chuẩn bị phương án phòng chống dịch tốt nhất để bảo đảm cho người dân đón Tết an toàn.

Không ai muốn dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, nhất là lại bùng phát đúng dịp Tết Nguyên đán. Dịch bùng lại khiến bao nhiêu kế hoạch sum vầy, đoàn viên bị gác lại để đặt yếu tố an toàn lên trên hết.

Với các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, có thể nói năm nay họ không có Tết, chưa nói tới khả năng xa vời là Tết sum vầy. Nhiều bác sĩ, nhân viên ngành y tế ở các ổ dịch trên cả nước phải ngày đêm làm việc vất vả, cứu chữa bệnh nhân, xử lý hàng nghìn mẫu xét nghiệm dồn dập đổ về. Các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) gác Tết lại để lên đường chi viện cho Gia Lai - ổ dịch với 19 ca mắc. Nhóm bác sĩ ở Đà Nẵng bỏ cái Tết sum vầy đang rất gần để hỗ trợ đồng nghiệp ở tỉnh đang bùng phát dịch bệnh. Rất nhiều đơn vị ở Hà Nội cũng đã lên đường “chia lửa” cho ổ dịch ở Hải Dương. Gia đình các nhân viên y tế này năm nay sẽ đón Tết mà thiếu vắng ít nhất một thành viên, tất cả vì sự an toàn của bệnh nhân, của cộng đồng.

Tính đến sáng 8/2, số liệu của Bộ Y tế cho biết có trên 83.300 người đang cách ly để phòng dịch bệnh và gần 500 người đang điều trị bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài số người trên, còn rất nhiều người làm nhiệm vụ trong các khu cách ly, bệnh viện sẽ phải đón Tết xa nhà.

Với người dân nói chung, trong khi giờ này mọi năm, nhiều người tất bật bắt tàu xe, máy bay để về quê đoàn tụ với gia đình, thì năm nay, chỉ cần nhìn cảnh vắng vẻ ở bến xe, sân bay là đủ hiểu có nhiều gia đình sẽ không đủ thành viên trong Tết Tân Sửu. 

Nhiều người lao động xa quê khi biết tin dịch bệnh bùng phát đã buộc phải hủy vé tàu, hủy chuyến bay về quê ăn Tết cùng gia đình mà mình chờ đợi suốt cả năm. Dù tiếc nuối, dù buồn bã, nhưng an toàn được đặt lên hàng đầu. Có người làm nghề nhặt phế liệu ở miền Nam, tích cóp cả năm trời để đến Tết bỏ tiền mua vé tàu về miền Bắc đoàn tụ vợ con. Nay dịch bệnh ập đến, anh đành ngậm ngùi hủy vé vì lo cho vợ con, vì nhỡ đâu mình mang virus về nhà.

Liên đoàn Lao động Hà Nội đã yêu cầu Liên đoàn Lao động địa phương tuyên truyền, vận động công nhân lao động cân nhắc kỹ việc về quê và lựa chọn phương tiện về quê đón Tết cùng gia đình để đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch. Với những trường hợp công nhân lao động thuê trọ không về quê đón Tết cùng gia đình, Liên đoàn sẽ có hình thức hỗ trợ, động viên kịp thời.

Một số nước châu Á đón Tết Nguyên đán cũng có chính sách khuyến khích người dân không di chuyển về quê. Như ở Trung Quốc, nhiều công ty và chính quyền địa phương tặng tiền, tặng vé xem phim, phiếu mua sắm để người dân không về quê đoàn viên, tránh rủi ro dịch lây lan. Malaysia lúc đầu còn ra lệnh cấm người dân tới nhà nhau chúc tết.

Trong khi nhiều người có ý thức giữ gìn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chấp nhận hy sinh Tết sum vầy để an toàn trước dịch bệnh thì cũng có người dường như nghĩ “chắc dịch bệnh nó chừa mình ra”. Trên một số tuyến phố Hà Nội, sau một tuần dịch bùng phát, trong khi một số cơ sở ăn uống phải đóng cửa nghỉ Tết sớm thì một số quán ăn, quán bia, quán trà đá vỉa hè vẫn đông người ngồi ăn san sát, mải mê tán chuyện. Chuyện giãn cách trong quán ăn và đeo khẩu trang ở chỗ đông người dường như không phải chuyện mà họ bận tâm. Ít nhất 69 người đã bị xử phạt ở khu vực phố cổ Hà Nội vì “quên” đeo khẩu trang.

Tại TP Hồ Chí Minh, dường như nhiều người chủ quan vì số ca mắc ở thành phố mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nên không mấy ai ở nơi công cộng đeo khẩu trang dù đã có quy định. Hội chợ hoa Tết đông đúc chị em xúng xính tới chụp ảnh. 

Vậy là trong khi các lãnh đạo mất ngủ vì chống dịch, những người tuyến đầu căng mình cứu chữa bệnh nhân thì một bộ phận những người tuyến sau vẫn sống như chưa hề có dịch bệnh. Rất có thể họ sẽ khiến công sức của nhiều người bị lãng phí nếu chẳng may họ trở thành F0 hoặc F1 của một ca bệnh nào đó.

Vẫn biết nhu cầu gặp mặt cuối năm, vui Tết, chơi Tết, ăn Tết là rất cao, nhưng rất cần một ý thức chung tay chống dịch COVID-19, vì một cái tết Tân Sửu an toàn, và vì nhiều cái tết an toàn sau này nữa. Xét một khía cạnh nào đó, ta phải chấp nhận hy sinh “sum vầy” để đổi lấy “an toàn”.

Thùy Dương
Xác định 16 ca âm tính, 4 ca nghi nhiễm COVID-19 trong số 20 ca xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất
Xác định 16 ca âm tính, 4 ca nghi nhiễm COVID-19 trong số 20 ca xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất

Tối 7/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin: 4 mẫu gộp có kết quả nghi nhiễm vào sáng 7/2 đã xác định được 16 trường hợp âm tính và 4 trường hợp nghi mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN