Bốn ngày sau thảm hoạ động đất khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngày 10/2, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam gồm 76 cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân và 24 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, góp phần khắc phục hậu quả động đất. Cùng với sự hỗ trợ về người, quân đội đã vận chuyển 35 tấn vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại đây.
Ngay khi tới nơi, đoàn cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Hatay là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất hôm 6/2. Tại đây, đoàn của Việt Nam đã phối hợp cùng các đoàn cứu hộ cứu nạn của các quốc gia khác để thực hiện nhiệm vụ. Tới chiều tối ngày 17/2 (giờ Việt Nam), lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Việt Nam đã giúp nước bạn xác định được 12 vị trí có nạn nhân, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống.
Trong khi đó, ở một vị trí khác, đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam cũng chạy đua với thời gian và tử thần, với mục tiêu là cứu được những người còn sống trong các đống đổ nát. Đoàn đã hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Adiyaman, một trong ba vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất. Sau bốn ngày làm việc nỗ lực, đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã góp phần cứu sống được một thanh niên 17 tuổi và đưa được thi thể của 9 nạn nhân từ khu vực sụp đổ ra bên ngoài.
Sau những ngày bị chôn vùi trong đống đổ nát, việc phát hiện hay tìm thấy, dù ít ỏi người còn sống sót hay chỉ là “dấu hiệu của sự sống” đều là nguồn động lực để những người làm công tác cứu hộ thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng trên hết, điều đó đã làm vơi đi phần nào những mát mát mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua; mang đến cho họ niềm tin, thắp lên hy vọng có thể gặp lại hay tìm được người thân yêu đang bị vùi lấp. Và chừng nào còn hy vọng, thì mọi nỗ lực tìm kiếm người sống sót sẽ không thể từ bỏ!
Với những cố gắng và hoạt động tích cực đó, đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đội cứu hộ quốc tế. Hãng thông tấn Anadolu đã tường thuật lại trường hợp với sự giúp đỡ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam và việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng, Abuzer Baran Bakır, 17 tuổi đã được phát hiện và cứu sống sau nhiều ngày bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Điều đó đã khiến người dân nơi đây cảm động. Khi gặp các thành viên của đoàn Việt Nam, những người dân địa phương Thổ Nhĩ Kỳ đã để tay phải lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn đối với lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến từ đất nước Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng quân đội và công an Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Trong những năm gần đây, lực lượng này có thêm nhiều kinh nghiệm sau khi tham gia các hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai ở một nơi xa như vậy. Với mục tiêu cao nhất là càng nhanh càng tốt để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; các cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khoảng cách về không gian, rào cản ngôn ngữ và cả những thiếu thốn, khó khăn hay giá rét khắc nghiệt có lúc dưới 0 độ C khi về đêm trong mùa đông nơi tâm chấn để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Việc tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Và trên hết, đó là“mệnh lệnh” từ trái tim, là tình yêu thương nhân loại, là tấm lòng“thương người như thể thương thân”, trong hoạn nạn có nhau. Từ đó khẳng định, Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn tích cực đóng góp một phần nhỏ bé vào nỗ lực chung của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, hỗ trợ người dân của bất cứ quốc gia nào khi gặp phải thảm họa thiên tai. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp mà chính là truyền thống văn hoá tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Việt Nam.