Siết chặt an toàn giao thông dịp cuối năm

Từ ngày 15/12/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và công an các địa phương trong cả nước sẽ mở cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ đội CSGT số 14 điều tiết, phân luồng giao thông tại tuyến đường Ngọc Hồi - Giải Phóng (Hà Nội). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đối với xe kinh doanh vận tải sẽ tập trung kiểm tra, xử một số vi phạm như: Xe quá khổ, quá tải; xe chở quá số người quy định; xe không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động; xe chở khách dừng, đỗ đón khách không đúng nơi quy định; lái xe sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện...

Thường vào dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng tăng cao, thì tình trạng xe quá khổ, quá tải, xe chở khách quá số người quy định diễn ra khá phổ biến, bất kể ở địa phương nào, tuyến đường nào, ngày hay đêm, thậm chỉ cả trong đô thị. Loại xe này hoạt động công khai, gây cản trở các loại phương tiện khác tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, bất chấp các quy định pháp luật, gây ô nhiễm môi trường… Xe vận tải quá khổ, quá tải được ví như những hung thần xa lộ, trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Việc xe chở quá tải, quá khổ di chuyển với mật độ dày đặc, khiến nhiều tuyến quốc lộ dù mới được đưa vào sử dụng, nhưng mặt đường đã bị cày xới, gây sụt lún nghiêm trọng. Thiệt hại do loại xe này gây ra là rất lớn, tuy nhiên, việc xử lý xe vi phạm chiếm tỷ lệ rất thấp so với thực tế và việc giải quyết triệt để vấn nạn này là không hề đơn giản.

Theo các cơ quan chức năng, muốn xử lý dứt điểm tình trạng chở quá tải tham gia giao thông, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện, phải có chế tài đủ mạnh.

Với lực lượng, phương tiện và hạ tầng kỹ thuật như hiện nay, để ngăn chặn các vi phạm xe chở hàng quá khổ, quá tải là vấn đề hết sức nan giải. Không những thế, các đối tượng vi phạm luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó, bất hợp tác, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Nhiều lái xe vi phạm thường phản ứng theo kiểu bất hợp tác, đóng cửa xe bỏ đi, thậm chí gọi cả đối tượng “xã hội đen” đe dọa, hành hung lực lượng làm nhiệm vụ. Hay trên nhiều tuyến đường trọng điểm, khi lực lượng chức năng kiểm tra ban ngày thì chuyển sang chạy đêm, hoặc ngược lại. Một số chủ xe thuê cả đội ngũ “cò” canh chừng lực lượng chức năng, khi phát hiện thấy lực lượng làm nhiệm vụ thì báo cho lái xe tìm cách đối phó. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan chức năng với các địa phương trong kiểm tra, xử lý còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, đồng bộ… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dư luận cho rằng, cơ quan chức năng còn nương tay, thậm chí có biểu hiện tiêu cực trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý phương tiện vi phạm.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện xe quá khổ, quá tải. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Để ngăn chặn triệt để xe vận tải vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cần phải nhận thức đây là nhiệm vụ không chỉ lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội, tuyệt đối không để tồn tại “vùng cấm”, ngoại lệ trong xử lý vi phạm. Nếu không có biện pháp kiên quyết, giải pháp mang tính đột phá, thì xe kinh doanh vận tải không chấp hành các quy định pháp luật vẫn là nỗi kinh hoàng, nhức nhối.

Một số ý kiến cho rằng, với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có nhiều phương tiện vi phạm, cơ quan chức năng cần kiểm tra toàn diện, có thể thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp và tước giấy phép lái xe để tăng tác dụng răn đe. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, nhất là tuyên truyền việc thực hiện các quy định về vận chuyển hàng hóa an toàn; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đơn vị thuê chở hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe...

Ở góc độ các địa phương, chủ động phối hợp triển khai công tác kiểm soát xe vận tải (trong đó có vận tải hành khách) trên địa bàn; tăng cường lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra; đặc biệt là việc kiểm soát xe ngay tại bến bãi, nhà ga, cơ sở sản xuất vật liệu, điểm tập kết hàng hóa lên xe…

Có ý kiến đề xuất, không thực hiện đăng kiểm đối với phương tiện vi phạm trong khoảng thời gian nhất định (tương tự như tạm giữ giấy phép lái xe) là biện pháp khả thi và hiệu quả. Với trường hợp xe vi phạm, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, có thể đưa thông tin lên hệ thống dữ liệu quản lý của Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) giúp các trung tâm kiểm định nắm cụ thể phương tiện vi phạm khi làm nhiệm vụ đăng kiểm…

Yến Nhi
Tuổi trẻ Thủ đô xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông
Tuổi trẻ Thủ đô xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Ngày 24/11, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức “Ngày Hội Thanh niên với văn hóa giao thông” và chùm hoạt động “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự An toàn giao thông” năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN