Nhập nhèm giá sữa

Những ngày gần đây, người tiêu dùng Việt Nam liên tục phải đón nhận những tin không vui xung quanh sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em. Khi vụ bê bối sữa Fonterra nhiễm khuẩn còn chưa kịp lắng, thì trên các diễn đàn, các mạng, người tiêu dùng lại dậy sóng bởi các vấn đề liên quan đến giá sữa và sự nhập nhèm về tên gọi sản phẩm sữa trên thị trường, đánh lừa người tiêu dùng Việt Nam. Sự việc trên khiến dư luận đặt câu hỏi: Cơ quan nào có trách nhiệm trong việc quản lý mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh?

Theo quy định hiện hành thì sản phẩm sữa nằm trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Nhưng trong thực tế, các cơ quan chức năng chưa quản lý được giá sữa. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa, nhưng chỉ tập trung nhập khẩu ở một số thương hiệu nhất định nên thực chất vẫn là kinh doanh độc quyền và giá sữa vẫn bị thả nổi.


Tăng giá khi giá nguyên liệu tăng, một lý do nghe chừng rất hợp lý, nhưng lại thể hiện sự bất công đối với người tiêu dùng trong nước, vì thực tế từ nhiều năm nay, giá sữa trên thị trường Việt Nam chỉ có tăng chứ không có giảm, cho dù giá nguyên liệu và các chi phí đầu vào thế nào. Mánh lới được khá nhiều doanh nghiệp lợi dụng là thay đổi nhãn mác, tên gọi..., thậm chí có doanh nghiệp nhiều lần đổi tên sữa để tăng giá bán, như đổi tên sản phẩm từ sữa bột sang “sản phẩm dinh dưỡng”, hoặc thực phẩm bổ sung. Theo quy định hiện hành, nếu giá sữa tăng vượt “trần” 20% sẽ bị cơ quan chức năng tuýt còi. Nhưng do đây là mặt hàng kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nên các doanh nghiệp được quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với mức giá mà họ đưa ra, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục.


Một “chiêu trò” phổ biến khác đang được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa áp dụng là “bắt tay” với nhà sản xuất để “kê” giá lên cao hơn mức bình thường, thậm chí họ chấp nhận chịu thuế nhập khẩu cao hơn và cộng thêm các chi phí khác rồi “thổi” giá lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Dù bức xúc của người tiêu dùng liên quan đến việc nhập nhèm tên gọi, chất lượng sữa và các sản phẩm tương tự, song trách nhiệm trước người tiêu dùng thuộc về cơ quan nào thì rất khó xác định. Ngoài sự trông chờ có một quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan, người tiêu dùng chỉ còn biết tự bảo vệ mình trước những hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh của một số nhà nhập khẩu.


Những bùng nhùng trong việc quản lý giá sữa trên thị trường Việt Nam không biết khi nào mới có hồi kết bởi đúng - sai vẫn chưa có một phán quyết rạch ròi. Đến bao giờ người tiêu dùng mới thực sự yên tâm khi mua các sản phẩm sữa nhập khẩu đảm bảo chất lượng và không bị “thổi giá”? Rất cần câu trả lời từ các cơ quan chức năng.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN