Cũng chưa khi nào các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ - phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, không sử dụng các hợp chất hóa học (thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón vô cơ và cây trồng biến đổi gen), …và góp phần quan trọng trong phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên cũng như sức khỏe con người- lại nở rộ như bây giờ.
Có 33/63 tỉnh, thành phố của nước ta đã phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, với diện tích hơn 76,6 nghìn ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Trào lưu sử dụng thực phẩm hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày từ chỗ len lỏi đã dần trở nên phổ biến. Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ là điều trông thấy.
Tuy nhiên, những thách thức đối với sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ hiện nay ở nước ta không hề ít. Diện tích, vốn vay, khoa học kỹ thuật… đối với nhiều cơ sở sản xuất nhỏ là những khó khăn hiện hữu. Nhận thức của đại bộ phận dân chúng về sản phẩm hữu cơ còn chưa thật sự rõ ràng, mặt bằng kinh tế chung còn chưa cao, trong khi giá thành của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không hề rẻ… là những yếu tố khiến việc quyết định lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của người tiêu dùng gặp trở ngại.
Ở tầm vĩ mô, đối với an ninh lương thực, năng suất là khâu quyết định, trong khi sản xuất hữu cơ hiện tại chưa đáp ứng được điều này. Không ít nông dân phân vân khi quyết định chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bởi vốn đầu tư ban đầu cao, quy trình sản xuất khắt khe, cần nhiều thời gian cho canh tác, mà thị trường lại chưa được cam kết. Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, nhiều khi dựa vào sự hỗ trợ về kỹ thuật và vốn của các dự án.
Trong khi đó, về quản lý, chúng ta chưa có những bộ tiêu chuẩn trong nước đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát quá trình sản xuất. Do chưa giải quyết được những vấn đề về mặt khoa học, kỹ thuật, nên tồn tại những vấn đề đối với môi trường như sử dụng lượng lớn phân hữu cơ, hoặc cần diện tích canh tác lớn cho lượng sản phẩm thu hoạch theo mong muốn…
Dù còn nhiều khó khăn, song phải khẳng định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển đúng đắn, hữu ích, cần phát huy. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần được hỗ trợ để vượt qua những rào cản, hướng tới phục vụ đại trà, chứ không chỉ dành cho một bộ phận dân chúng có khả năng chi trả cao. Điều này có nghĩa là giá thành sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần được hạ thấp hơn nữa, để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng thường xuyên sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Và trách nhiệm đó không chỉ còn là của người sản xuất, mà phải là của cả những người hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, giới kinh doanh, tài chính…., để tạo những điều kiện thuận lợi về vốn, diện tích, khoa học, công nghệ… cho người sản xuất.
Đây cũng là trách nhiệm, là lương tâm đối với người tiêu dùng, với xã hội, với môi trường tự nhiên. Phải làm sao để mâm cơm của mỗi gia đình Việt Nam đều được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường và bảo đảm cho sức khoẻ, từ đó xây dựng mối quan hệ thực sự lành mạnh giữa nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lĩnh vực thực phẩm.
Và không chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Cần một chiến lược ở quy mô quốc gia, để xác định phạm vi cho sản phẩm hữu cơ hay phi hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có những quy hoạch, kế hoạch bài bản, khoa học và tiên tiến, vừa đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, tăng sản lượng, tăng nguồn thu và ngoại tệ, vừa đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người dân và môi trường tự nhiên. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm một nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.
Nhân văn, trách nhiệm không chỉ để đảm bảo sự an lành của từng miếng thịt, mớ rau trong bữa cơm của mỗi hộ gia đình, mà còn nhằm xây dựng uy tín cho cả thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.