Ngược dòng

“Lò lửa” Trung Đông mấy ngày nay lại thêm nóng sau khi căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen bùng nổ. Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 2010 khi hải quân Ixraen tấn công đoàn tàu của nhóm từ thiện IHH Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường chở đồ cứu trợ tới Dải Gaza (Palextin), làm 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Mặc dù Ixraen đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho vụ tấn công này song chắc chắn khó có quốc gia nào có thể bỏ qua được thực tế binh lính Ixraen với thuyền máy cao tốc, trang bị vũ khí tối tân đã rượt đuổi và bắn hạ những công dân nước họ trong tay không tấc sắt.

Đứng về phương diện ngoại giao, đây là một đòn mạnh giáng vào thể diện của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO và được đánh giá là có vị thế chiến lược trong khu vực. Vì vậy, Ancara quyết tâm thể hiện thái độ cứng rắn đến cùng, một động thái không chỉ nhằm bảo vệ công dân mà còn chứng tỏ với Ixraen cũng như cộng đồng quốc tế về vị thế và sức mạnh của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ancara tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao với Ten Avíp. Thậm chí, Thủ tướng Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã cân nhắc đến khả năng tăng cường hoạt động tuần tra hải quân tại khu vực phía đông Địa Trung Hải, gửi các đội tàu tới bảo vệ các hoạt động chuyên chở hàng viện trợ tới dải Gaza và tuyên bố sẽ khởi kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế về việc Nhà nước Do Thái phong tỏa Dải Gaza. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng được coi là đồng minh duy nhất của Ixraen trong khu vực, đã chính thức thể hiện thái độ đối đầu Nhà nước Do Thái.

Với Ixraen, quân sự là sức mạnh và đã được Nhà nước Do thái phát huy liên tục để giành lợi thế trong các vụ xung đột lợi ích nhưng đồng thời cũng đẩy Ixraen vào thế đối đầu với hầu hết các quốc gia Hồi giáo trong khu vực. Mối quan hệ thân thiết của Ten Avíp với Ancara, từng được coi là thành tựu ngoại giao chủ yếu mà Ixraen đạt được trong 15 năm trở lại đây, giờ đây cũng bị phá tan khi một lần nữa Ixraen lại phô trương sức mạnh bằng súng đạn.
Súng đã nổ, máu đã đổ, Thổ Nhĩ Kỳ quyết đòi công lý cho người dân nước mình. Còn đối với Ixraen, súng đã nổ và danh sách các quốc gia đối đầu với Nhà nước Do Thái đã được bổ sung thêm Thổ Nhĩ Kỳ. "Thêm bạn, bớt thù" là phương châm ngoại giao của hầu hết các quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, song với việc dùng súng đạn để đối thoại, dường như Ixraen đang đi ngược lại với xu thế chung, bất chấp sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN