Móc túi trên taxi

Đi taxi chính hãng, tính tiền cước bằng đồng hồ. Tưởng yên tâm, vậy mà “thượng đế” vẫn bị lừa.

Mới đây, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện sai phạm của hai xe taxi hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất khi dùng công tắc phụ để nâng giá cước lên gấp 10 lần thực tế.

Chú thích ảnh
Xe taxi hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh hoạ: Hồng Đạt/TTXVN

Cụ thể, xe taxi của Saigontourist thuộc Công ty cổ phần vận chuyển Saigontourist (không liên quan đến Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Saigontourist Group) có hai công tắc phụ lắp dưới cần số, gắn liền với đồng hồ tính tiền. Khi lái xe taxi này được yêu cầu chạy một quãng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất rồi quay lại, giá hiển thị trên đồng hồ tính cước là 54.000 đồng. Tuy nhiên, khi tác động vào công tắc, đồng hồ hiện 540.000 đồng.

Một xe khác của hãng taxi Saigon Cheap (Cheap Taxi) cũng có một công tắc phụ nằm dưới cần số lái xe, gắn liền với đồng hồ tính tiền. Mỗi lần vào số hoặc trả số, giá cước tăng lên 3.000 đồng/lần.

Không rõ hai xe taxi này đã được lắp công tắc phụ bao nhiêu lâu rồi. Cũng không rõ trước khi bị kiểm tra, hai lái xe taxi này đã kiếm được bao nhiêu tiền theo kiểu gian lận bằng công tắc “thần kỳ” trên. Chỉ biết thông tin này đã khiến nhiều người nhớ lại những lần bị gian lận cước taxi, nhớ lại những bức xúc, ấm ức, tức giận mà họ trải qua khi bị móc túi trắng trợn.

Có người nói rằng nỗi ám ảnh mỗi khi đặt chân xuống sân bay, đặc biệt là sân bay ở các thành phố lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng là bắt xe taxi. Không phải ai cũng có người thân đưa rước, không phải ai cũng có thời gian bắt xe buýt, không phải lúc nào cũng gọi được taxi công nghệ hay taxi “tử tế”, nhất là khi máy bay hạ cánh vào giờ khuya. Giữa những lời chào mời nhiệt tình của lái xe, đôi khi còn có sắc thái “ép”, khách tặc lưỡi bước lên một xe có vẻ là “chính hãng”. Đi taxi chính hãng, tính tiền cước bằng đồng hồ. Tưởng yên tâm, vậy mà “thượng đế” vẫn bị lừa.

Những con số trên đồng hồ tính tiền nhảy múa không theo một quy luật nào, lúc nhanh lúc chậm, thậm chí dừng đèn đỏ cũng “nhảy”. Lái xe thì cố tình đi đường vòng cho xa hơn hoặc có hành vi “vòi” thêm tiền của khách hàng. Kết thúc chuyến đi, khách phải trả số tiền gấp hai, gấp ba số tiền thực tế và ôm “cục tức” xuống xe.

Biết bị gian lận cước nhưng đa số khách phải im lặng vì ngại đôi co, cãi vã sau chuyến bay mệt mỏi… Để rồi sau lần bị móc túi trắng trợn đó, họ thề sẽ không bao giờ để bản thân rơi vào tình huống này nữa. Có người sẽ đi xe cá nhân dù phí gửi xe tại sân bay đắt, đắt nhưng không bị lừa. Có người sẽ bắt xe công nghệ dù phải chờ lâu, lâu nhưng không bức xúc vì bị gian lận. Với người xuống sân bay Tân Sơn Nhất, họ thậm chí sẽ chấp nhận kéo hành lý đi bộ thêm một đoạn ra ngoài đường để bắt xe, thay vì trở thành con mồi cho lái xe taxi gian lận trong sân bay. Dù là đi tiếp từ sân bay bằng cách nào, thì chỉ cần trải nghiệm tiêu cực một lần, khách đã không còn niềm tin và hệ thống taxi.

Khách trong nước là như vậy, còn với khách quốc tế thì sao? Họ thậm chí còn bị “chặt chém” mạnh tay hơn.

Chú thích ảnh
Xe taxi, xe công nghệ hoạt động Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN

Hồi tháng 3, hành khách người Nhật Bản đi 7km từ sân bay Tân Sơn Nhất về một khách sạn ở Quận 1 đã bị lái xe taxi đòi tiền gấp 10 lần so với số tiền đồng hồ trên xe hiển thị. Cuối năm 2022, nữ du khách Hàn Quốc bắt taxi từ sân bay Đà Nẵng về khách sạn đã bị lái xe đòi tới 120.000 won (tương đương 2,2 triệu đồng).

Đấy có lẽ chỉ là vài trường hợp ít ỏi xuất hiện trên mặt báo và nạn nhân được trả lại tiền, vớt vát phần nào hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài.

Còn với vô số khách, cả trong nước và quốc tế, câu chuyện của họ không lên mặt báo, không ai đòi lại tiền cho họ và họ mãi có ấn tượng tiêu cực về chuyến đi tới Việt Nam ngay từ chiếc taxi bắt trong sân bay.

Nhu cầu đi taxi từ sân bay là rất lớn, đặc biệt là ở các sân bay lớn – nơi thường đón từ hàng chục nghìn đến cả trăm nghìn lượt khách mỗi ngày. Nói rộng ra, không chỉ có taxi tại sân bay, mà ở nơi nào có taxi hoạt động thì đều có thể xảy ra tình trạng lái xe gian lận cước. Do đó, quản lý hoạt động của taxi tại sân bay nói riêng và taxi nói chung là điều không thể buông lỏng.

Chú thích ảnh
Hành khách đội nắng đi bộ ra bãi đệm ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất để đón xe. Ảnh: Báo Tin tức

Sau khi phát hiện hai xe taxi sân bay gắn công tắc phụ, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quyết định tạm dừng hoạt động của hai hãng taxi nói trên tại sân bay vì đã làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, hình ảnh và thương hiệu của sân bay này. Lực lượng chức năng đã xử phạt mỗi lái xe 700.000 đồng, mỗi công ty bị phạt tiền 11 triệu đồng. Hai lái xe cũng bị tước quyền sử dụng phù hiệu. Mức phạt này dù đã kịch khung nhưng dường như còn quá nhẹ.

Số tiền mà lái xe gian lận cước đã móc túi của khách hàng chắc hẳn sẽ nhiều hơn con số 700.000 đồng kia. Cái lợi lớn hơn tiền phạt nên có lẽ sẽ không đủ sức răn đe với những lái xe đang và sẽ sử dụng một hình thức gian lận cước nào đó.

Họ móc túi khách hàng và kiếm được nhiều tiền nhưng để lại hệ lụy khó đong đếm, làm mất đi hình ảnh đẹp của các thành phố, các điểm du lịch Việt Nam, kể cả với du khách trong nước và quốc tế.

Chấn chỉnh triệt để sai phạm trong hoạt động của taxi sân bay sẽ góp phần không nhỏ để TP. Hồ Chí Minh là nơi “đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, để Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Thùy Dương
Quảng Ninh: Xử lý lái xe taxi 'dù' bỏ trốn, gây mất an ninh công cộng
Quảng Ninh: Xử lý lái xe taxi 'dù' bỏ trốn, gây mất an ninh công cộng

Ngày 23/6, Công an thành phố Hạ Long thông tin, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ phương tiện để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe taxi “dù” vì có hành vi bỏ chạy, không hợp tác, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn vào tối 22/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN