Cứ dịp năm học mới cận kề, ngoài nỗi lo chọn trường, chọn lớp, chọn thầy, không ít bậc phụ huynh lại than ngắn, thở dài với khoản đóng góp đầu năm... Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nỗi lo ấy như nhân lên gấp bội. Năm nào cũng vậy, Bộ GDĐT và nhiều địa phương thể hiện sự quyết tâm chống lạm thu bằng việc ban hành văn bản hướng dẫn các hoạt động thu chi đầu năm, trong đó nghiêm cấm các khoản thu trái quy định, nhưng thực tế quy định này ít phát huy hiệu lực!
Tiền nộp cho nhà trường để con mình được đi học, trên lý thuyết ai cũng hiểu là khoản tiền chính đáng và minh bạch, thế nhưng nó đang trở thành một khoản thu bí ẩn; có nhiều khoản thu khó biện minh và không rõ ràng. Những khoản đóng góp thường được các trường liệt kê thành danh sách, nào là khoản đóng góp cố định, khoản không cố định, rồi khoản “thu hộ”, thậm chí có trường còn có “thư ngỏ” kêu gọi sự đóng góp… Danh sách dài dằng dặc các khoản tiền nộp được kê, từ tiền ghế ngồi, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền khuyến học, tiền nước uống... Dù là khoản nào đi chăng nữa, dù bắt buộc hay không bắt buộc, các bậc phụ huynh cũng phải răm rắp làm theo hoặc bị tạo sức ép buộc phải chấp hành. Lý do được nhiều trường đưa ra là kinh phí được nhà nước cấp hạn hẹp, việc vận động phụ huynh đóng góp cũng nhằm tạo điều kiện cho con em mình học tập tốt hơn.
Vào đầu năm học, phần lớn các trường đều thu một khoản gọi là tiền “xây dựng trường”. Khi khoản thu này bị tuýt còi thì các trường chuyển thành khoản thu “xã hội hóa”!!! “Xã hội hóa” cho quỹ nhà trường đã đành, còn có cả khoản “xã hội hóa” riêng của lớp nữa. Có trường còn hợp thức hóa một số khoản thu bằng cách ra chủ trương để hội cha mẹ học sinh bàn thảo, tạo ra một quỹ để phục vụ cho việc sửa chữa trường lớp, mua sắm đèn, quạt, điều hòa, máy chiếu, máy tính và một số trang thiết bị khác; đó là chưa kể hầu hết các trường có lực lượng tạp vụ, bảo vệ nhưng vẫn thu thêm tiền quét lớp, tiền an ninh, tiền trông xe... Các khoản này nghe có vẻ là tự nguyện, nhưng với nhiều gia đình khó khăn thì đó là gánh nặng với họ. Có nhiều gia đình ở một trường mầm non phải nghiến răng đóng cho con khoản tiền không nhỏ để mua điều hòa nhiệt độ kèm theo một khoản phí hằng tháng để vận hành nó vào mùa hè!
Không ít trường còn lách luật (Luật Giáo dục quy định học sinh chỉ phải đóng học phí, ngoài ra không phải đóng góp thêm khoản nào) kêu gọi phụ huynh đóng góp thông qua các khoản “tài trợ”. Thực tế cho thấy, đã có không ít bất cập nảy sinh và những dị nghị xung quanh vấn đề tiền tài trợ. Không ai dám hy vọng sẽ nhận được nhiều khoản tài trợ mà không gắn với điều kiện nào. Chính vì thế, nhiều người cho rằng với khoản gọi là “tài trợ”, thực chất đang chuyển dần từ “xã hội hóa” sang “thương mại hóa” các trường học. Phần lớn việc chi những khoản tiền này đều do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện và những người này vẫn phụ thuộc vào nhà trường, không có chính kiến riêng, ít người dám đấu tranh vì quyền lợi của học sinh.