Vụ lật tẩy chiêu trò kinh doanh bẩn của doanh nghiệp Khaisilk cũng càng lúc càng lên cao trào khi các báo cáo kiểm tra ban đầu cho thấy, hành vi vi phạm của doanh nghiệp này và các cửa hàng kinh doanh sản phẩm Khaisilk là nghiêm trọng, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ; thậm chí có thể hình sự hóa nếu đủ cơ sở.
Một vụ đình đám khác là vụ VN Pharma, đã được tòa phúc thẩm xét xử và tiếp tục điều tra để làm rõ các hành vi sai phạm, nhằm đưa ra được kết luận nghiêm minh nhất…
Lẽ dĩ nhiên, DN sai phạm thì sẽ bị xử lý theo đúng luật định. Huống hồ các vụ việc này lại đặt trong bối cảnh tinh thần, quan điểm quyết liệt của Đảng, Chính phủ là phải xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm, những vấn đề dư luận bức xúc, để củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và pháp luật.
Nhưng vấn đề đặt ra là: Trên thực tế, các hoạt động của DN trước hết phải chịu sự quản lý của hệ thống luật, đồng thời phải chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Vậy chẳng lẽ, để xảy ra các vi phạm trên, các cơ quan quản lý lại “vô can”?
Đối với vụ việc còn chưa ngã ngũ về vụ thực hiện sai thể lệ trong cuộc thi hoa hậu Đại dương, chỉ sau khi vụ việc bị dư luận đặt vấn đề, Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới yêu cầu đơn vị tổ chức sự kiện giải trình về vụ việc. Vậy trong suốt quá trình tổ chức cuộc thi này, phải chăng vai trò quản lý, theo dõi, giám sát của Cục này đã bị “bỏ quên”?
Đối với doanh nghiệp Khasilk cũng như nhiều DN kinh doanh, sản xuất các mặt hàng khác, đều phải chịu sự quản lý, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý thị trường. Vậy trong suốt thời gian qua, cơ quan này ở đâu, làm gì để DN “lộng hành” trong việc gian lận, giả nhãn mác hàng hóa như vậy? Tại sao chỉ đến khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan quản lý thị trường mà cụ thể ở đây là Chi cục quản lý thị trường Hà Nội và các cấp quản lý cao hơn mới vào cuộc, kiểm tra, xử lý?
Đối với các DN sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Cục Quản lý Dược. Qua vụ nhập thuốc không rõ xuất sứ, kém chất lượng, con dấu, tài liệu giả… của VN Pharma được phát hiện đã cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, tắc trách của Cục này; có thể coi là sai phạm nghiêm trọng, đang bị tiếp tục điều tra xem xét trách nhiệm.
Đây chỉ là ba trong số nhiều vụ việc vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp xảy ra trong thời gian qua. Rõ ràng, nếu các cơ quan quản lý thực hiện đúng, nghiêm trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của mình; không lơ là tắc trách, thậm chí không “đi đêm”, “lót tay” trong việc thực thi chỉ đạo, giám sát, kiểm tra… hoạt động của các tổ chức, DN, thì đã không thể có việc xảy ra các vụ việc vi phạm, sai sót gây nhiều hậu quả kể trên.
Cơ quan quản lý Nhà nước sinh ra là để quản lý các hoạt động vào khuôn khổ, theo luật định, thể hiện quyền lực của Nhà nước. Bộ máy này dĩ nhiên hoạt động bằng tiền ngân sách, trong đó có phần đóng thuế không nhỏ của người dân. Vì vậy, “quyền lực” đó không chỉ phải được thực thi để phục vụ mục tiêu của Nhà nước, mà còn phải phục cho quyền lợi của nhân dân.
Bởi vậy, bên cạnh việc xử lý các tổ chức, cá nhân, DN để xảy ra vi phạm mà đối tượng trực tiếp lãnh hậu quả là người dân, thì càng phải xử thật nghiêm, không bỏ qua hoặc “giơ cao đánh khẽ” đối với các cơ quan quản lý trong việc để xảy ra các sai sót, vi phạm thuộc lĩnh vực mình quản lý. Thậm chí, còn phải truy cứu trách nhiệm đến cùng, đến từng cấp quản lý, từ thấp đến cao, từ tập thể đến từng cá nhân. “Luật chơi” hơn bao giờ hết, phải được thực thi công bằng!