Đất nước chúng ta những ngày này đang bước vào giai đoạn cam go hơn của cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bắt đầu từ sau khi xuất hiện trường hợp bệnh nhân thứ 17. Sau những khoảnh khắc hoang mang ban đầu trong tâm lý chung dễ hiểu của người dân trước một mối đe dọa vô hình, chúng ta đang bình tĩnh và khẩn trương, tích cực phòng chống dịch bằng trách nhiệm cao nhất, với tinh thần “tương thân tương ái” sâu đậm nhất.
Những khu phố cách ly tại Hà Nội như Trúc Bach, Thạch Bàn, Cầu Giấy… những ngày này giống như một “xóm nhỏ” tình nghĩa, người dân dựa vào nhau, sẻ chia và động viên nhau để cùng bình an đi qua dịch bệnh. Những suất ăn miễn phí được trao đến tay từng hộ gia đình bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, hàng triệu chiếc khẩu trang đã được phát miễn phí ở các hiệu thuốc, bến xe, hè phố; những thầy cô giáo tự chế hàng nghìn chai nước sát khuẩn phát cho học sinh; chủ nhà trọ giảm giá nhà cho sinh viên; chủ nhà miễn hàng chục triệu đồng tiền thuê cho nhà hàng ế khách... Nông sản ứ đọng, rớt giá mùa dịch đã có những sáng kiến tiêu thụ lạ lùng mà hiệu quả như bánh mì, bánh bao thanh long, bún, mì dưa hấu… Quỹ phòng chống dịch COVID ngay khi vừa được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập đã nhận được sự chung tay ủng hộ của hàng ngàn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã tự nguyện đóng góp cũng như vận động quyên góp hàng tỉ đồng tiền mặt và hiện vật ủng hộ phòng chống dịch cho đồng bào.
Khi dịch bệnh tấn công và kéo theo nỗi sợ hãi đến từng góc phố, khu căn hộ hay mỗi xóm làng, thì trên tuyến đầu, chúng ta vẫn thấy hình ảnh các y bác sĩ, những “thiên thần áo trắng” trắng đêm chống dịch ở các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện; những chiến sĩ bộ đội vào rừng mắc lều để ở, nhường doanh trại cho người dân từ vùng dịch trở về.
Cũng trên tuyến đầu ấy, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ ta ngay từ những ngày virus Corona chưa “gõ cửa” đất nước, đã kịp thời đề ra và chỉ đạo sát sao thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong cuộc “đấu trí” với COVID-19, hàng triệu người dân không khỏi nghẹn ngào trước hình ảnh những nhà lãnh đạo Chính phủ “một đêm bạc tóc” vì lo giải pháp chống dịch giai đoạn mới. Người dân Thủ đô Hà Nội chỉ sau một ngày hoảng loạn đã bình tâm lập tức khi ngành Công thương kịp thời cung ứng hàng hóa đầy ắp thị trường. Các em học sinh nghỉ học hoặc học online trong mùa dịch đều được miễn hoàn toàn học phí. Và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp đang thực sự khó khăn do tác động của dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ…
Không chỉ “người trong một nước phải thương nhau cùng”, nhiều người nước ngoài trong khu cách ly dịch COVID đã thực sự cảm kích trước sự chu đáo của Việt Nam. “Các quân nhân chăm sóc cho chúng tôi rất tốt và tử tế. Tôi xin cúi đầu trước lòng tốt của các bạn”, anh Gavin Whelldon (người Anh), hành khách trên chuyến bay VN0054, bày tỏ từ khu cách ly ở Sơn Tây, Hà Nội.
Từ những nghĩa cử nhân ái của mỗi người lao động bình thường, cho đến những quyết tâm, hành động mạnh mẽ của Chính phủ và chính quyền các địa phương, tất cả đã tạo nên một niềm tin vững chắc nơi người dân. Dù còn lo sợ dịch bệnh đấy, nhưng chúng ta biết chắc rằng ta đang được bảo vệ một cách tốt nhất, bởi ở trên tuyến đầu kia, biết bao nhiêu con người đang làm tốt từng hàng rào, từng chốt chặn được giao phó.
Nhìn rộng ra bên ngoài biên giới của mỗi đất nước, khi dịch bệnh đã tấn công 158 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì chính những tấm lòng nhân ái, tinh thần tương trợ quốc tế đang đưa thế giới xích lại gần nhau hơn khi cùng phải đối phó với một kẻ thù chung. Vũ Hán, những ngày đầu tháng 2, khi dịch bệnh đang lan tràn theo cấp số nhân, hệ thống y tế trở nên quá tải, người dân nơi đây đã ấm lòng khi nhận được món quà gồm 6,4 triệu khẩu trang, hơn 1 triệu đôi găng tay, hàng trăm nghìn bộ quần áo cùng nhiều loại thiết bị y tế khác đến từ Nhật Bản, đất nước vốn có nhiều căng thẳng chính trị, lịch sử với Trung Quốc. Dịch COVID-19 gây nhiều tang tóc cho Vũ Hán, cho Hồ Bắc và đất nước Trung Quốc, nhưng trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” đó, cả thế giới đã hướng về Trung Quốc, chia sẻ khó khăn bằng những chuyến hàng y tế vô cùng quý giá trong lúc nguồn cung cấp ban đầu tại đây gần như “vỡ trận”. Chỉ trong vòng 2 tuần sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, Trung Quốc đã nhận được cứu trợ y tế của 21 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lô hàng vật tư y tế gồm găng tay, khẩu trang và đồ bảo hộ do Chính phủ Việt Nam gửi tặng Trung Quốc đã kịp thời được chuyển đến tâm dịch Vũ Hán, góp một phần nhỏ cùng tháo gỡ khó khăn cho nước bạn.
Khi tình hình dịch bệnh trong nước có dấu hiệu đi xuống, Trung Quốc lại trở thành một trong những nước đầu tiên hỗ trợ y tế mạnh mẽ cho Iran, quốc gia bị cô lập kinh tế đang oằn mình bởi dịch bệnh. Tại Italy, nơi đã trở thành điểm nóng dịch lớn nhất thế giới, hàng triệu người dân từ Bắc chí Nam đã có một cuộc hẹn hò tập thể đầy cảm động, họ cùng ra ban công nhà, vang lên những lời ca, tiếng đàn động viên nhau vượt lên khó khăn.
Nơi dịch bệnh đi qua, cũng luôn là nơi lấp lánh tình người. Đó thực sự là những “liều thuốc tinh thần” quan trọng, giúp tăng “sức đề kháng” của mỗi người dân và mỗi đất nước để cùng đối mặt thách thức và vượt qua cơn hoạn nạn.