Ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ra ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo (gọi tắt là Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm, sẽ có hiệu lực. Như vậy, chỉ còn 1 ngày nữa, những bức xúc vốn âm ỉ nhiều năm nay về dạy thêm học thêm trong nhà trường, rất có thể sẽ được giải quyết.
Nói “rất có thể được giải quyết”, bởi từ lâu, ở mọi địa phương cũng như trên quy mô toàn quốc, các văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm trong nhà trường vẫn được ban hành đều đặn hàng năm, nhưng… hầu như không tác dụng. Hoạt động dạy thêm, học thêm từ chỗ công khai, biến thành hoạt động do cha mẹ học sinh “tự nguyện” viết đơn xin và đứng ra tổ chức; các lớp dạy thêm học them dần mang tên các lớp “tăng cường”, “bổ trợ”, “bồi dưỡng”, “nâng cao”, “câu lạc bộ”…; kiến thức từ chỗ “thêm” hoặc “bồi” trở thành cốt lõi, nếu học sinh muốn cải thiện điểm số. Từ chỗ như một hoạt động “phụ đạo”, dạy thêm học thêm có lúc như “chính đạo”, thậm chí được ưu tiên hơn, để có kiến thức đi thi.
Quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ giữ được sự liêm chính trong hoạt động giáo dục của Nhà trường. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Không thể phủ nhận dạy thêm, học thêm có những mặt tích cực nhất định. Đối với học sinh có học lực chưa tốt, việc học thêm giúp các em củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập. Đối với những học sinh có nhu cầu nâng cao, học thêm cũng là một phương án để phát triển khả năng tư duy, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng dạy thêm, học thêm đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Có không ít giáo viên và trường học tổ chức dạy thêm một cách tràn lan, biến đây thành một hoạt động kinh doanh hơn là hỗ trợ học sinh. Nhiều phụ huynh cảm thấy áp lực khi phải cho con đi học thêm vì lo sợ con mình không theo kịp chương trình chính khóa, hoặc thậm chí bị thiệt thòi nếu không tham gia các lớp học do chính giáo viên giảng dạy trên lớp tổ chức. Từ đó, mối quan hệ Thầy – Trò, Giáo viên - Phụ huynh có lúc, có nơi đã trở nên méo mó. Ngay trong các nhà trường, thu nhập từ dạy thêm đã tạo ra khoảng cách giữa giáo viên các môn “chính” và môn “phụ”, từ đó khiến mục tiêu giáo dục toàn diện không được thực thi; và mặt bằng giáo dục ở vùng kinh tế thuận lợi với vùng khó khăn lại càng chênh lệch.
Giảm học thêm, tăng thời gian luyện tập thể dục thể thao giúp học sinh tăng cường sức khoẻ thể chất. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, minh bạch và hiệu quả, vừa góp phần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, cũng như giáo viên.
Theo đó, việc tổ chức dạy thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu thực sự và phải có sự đồng ý của phụ huynh. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh tham gia các lớp học không cần thiết. Với học sinh tiểu học, dạy thêm bị cấm hoàn toàn nhằm giảm áp lực học tập cho trẻ nhỏ (trừ các trường hợp bồi dưỡng năng khiếu hoặc luyện tập thể chất). Thêm vào đó, là quy định giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường cho học sinh của mình. Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm tránh tình trạng giáo viên cắt giảm nội dung giảng dạy trên lớp để buộc học sinh phải đi học thêm. Và để tăng cường quản lý về tài chính cũng như phù hợp với các quy định về kinh doanh, Thông tư yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải có đăng ký, phải công khai học phí, tránh tình trạng thu học phí vô tội vạ, gây áp lực lên phụ huynh.
Có thể nói những quy định mới này đã đề cập đến những nội dung cốt lõi, tấn công vào những tiêu cực, tồn tại trong hoạt động dạy thêm học thêm, đồng thời giải quyết những nhu cầu khi người học thực sự muốn học, người dạy muốn dạy. Nếu thực hiện được các quy định này, hoạt động học thêm, dạy thêm không chính đáng sẽ không còn tồn tại trong các nhà trường. Học sinh có thêm thời gian, không gian để tham gia các hoạt động cải thiện các kỹ năng mềm, các năng khiếu thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… và phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm, khả năng hòa nhập xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Mối quan hệ Thầy – Trò, Nhà trường – Gia đình sẽ trở về đúng quỹ đạo, đúng kỷ cương.
Tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, trẻ em thu nhận được nhiều bài học cuộc sống giá trị. Ảnh: Quỳnh Anh
Điều đáng nói là dù quy định mới đã rõ ràng, nhưng vẫn có một số cơ sở giáo dục và giáo viên giữ suy nghĩ “cũ”, “nảy số” tìm các cách thức để hợp thức hóa việc dạy thêm như đổi tên lớp học, cài cắm xen vào giờ học chính khóa, hợp tác với các trung tâm bên ngoài, thậm chí thỏa thuận tráo đổi người dạy- người học để “lách luật”.... Đây là những tính toán mang tính chất đối phó với quy định hơn là thực sự cải thiện chất lượng giáo dục. Cũng còn một bộ phận phụ huynh "luyến tiếc" việc học thêm, với nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do cần có nơi quản lý con trong thời gian buổi học thứ hai. Điều này phản ánh một nhận thức chưa thực sự tiến bộ, khi mục tiêu giáo dục không được đặt lên hàng đầu. Những nhận thức như vậy không chỉ đi ngược lại tinh thần của Thông tư mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự công bằng trong giáo dục.
Để các quy định có ý nghĩa nhân văn trong Thông tư 29 đi vào đời sống một cách hiệu quả, góp phần chấn chỉnh những bất cập hiện nay trong môi trường giáo dục, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học và phụ huynh. Các cơ quan quản lý giáo dục cần thường xuyên kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm tại các trường học, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cần có các kênh tiếp nhận ý kiến phản ánh của phụ huynh và học sinh về tình trạng ép buộc học thêm, giúp kịp thời phát hiện và chấn chỉnh sai phạm. Bên cạnh đó, chất lượng giảng dạy chính khóa cần được nâng lên. Khi mọi học sinh đều được tiếp cận giáo dục chất lượng ngay trong giờ học chính khóa, hướng tới triết lý giáo dục nhân văn, trong đó người học được phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất cùng các kỹ năng mềm và hoàn thiện nhân cách, thì việc học thêm sẽ chỉ là nhu cầu tự nguyện thật sự, thay vì trở thành một gánh nặng. Điều này đòi hỏi các trường học phải chú trọng hơn vào phương pháp giảng dạy, đổi mới chương trình học tập để đáp ứng nhu cầu của học sinh và đầu tư hơn nữa cho cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Bản thân ngành giáo dục cũng cần có giải pháp nhằm giảm tải nội dung chương trình, sách giáo khoa, giảm áp lực các kỳ thi… để không còn tình trạng “phải học thêm mới theo kịp chương trình, mới đỗ vào trường công lập”… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để mọi phụ huynh, học sinh hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình để thẳng thắn, mạnh dạn từ chối những chương trình học thêm miễn cưỡng.
Trải nghiệm cuộc sống giúp trẻ có nhiều kiến thức từ cuộc sống và hoàn thiện nhân cách. Ảnh: Lê Vân
Một nền giáo dục lành mạnh không chỉ nằm ở việc giảm thiểu dạy thêm, học thêm tràn lan mà còn phải đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng, bảo đảm môi trường giáo dục văn minh, thực sự VÌ NGƯỜI HỌC. Thông tư mới của BGDĐT là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực này, nhưng để thành công, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh đến chính các em học sinh, đồng thời cần có thêm các “chế tài” đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, để cũng giống như mọi cá nhân khi bước ra đường đều ý thức tuân thủ quy định nhằm xây dựng văn minh giao thông, mọi thành phần tham gia hoạt động dạy và học cũng cần nâng cao ý thức, tự giác thực hiện đúng quy định, thì chúng ta mới có thể xây dựng một nền giáo dục công bằng, bền vững và thực chất.