Chỉ trong một thời gian ngắn (30/7 và 1/8), đã có hai cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành liên quan mổ xẻ thực trạng “xã hội đen” bảo kê dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, dẫn xe quá tải tránh trạm cân. Ý kiến đồng nhất là cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đồng thời phải làm sáng tỏ một bộ phận cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông có hành vi tiếp tay và móc nối tạo ra tiêu cực.
Vấn đề nổi cộm tại cuộc họp ngày 1/8 là tình trạng tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe và tình trạng xã hội đen ở nhiều địa phương đang bảo kê, dẫn đường cho xe quá tải, quá khổ diễn ra nghiêm trọng trên một số tuyến đường bộ hiện nay.
Xin được tóm tắt ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tại cuộc họp ngày 1/8, rằng, xe quá tải ai nhìn thấy cũng biết, người dân bức xúc, báo chí phản ánh, nhưng chỉ lực lượng làm nhiệm vụ ở các trạm cân là không biết gì. Chuyện chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát? Phù hiệu không phải của Bộ GTVT, không phải của Bộ Công an cấp, mà của một cá nhân dán lên xe là đi được.
Hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật của Việt Nam... Cũng theo Bộ trưởng Thăng, việc đặt các trạm cân đang vấp phải sự chống đối ghê gớm của nhiều đối tượng. Cùng với đó là tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bởi nếu không có tham nhũng, tiêu cực thì không thể qua được trạm cân. Các bộ, ngành, địa phương biết điều này nhưng chưa thể hiện rõ quyết tâm để ngăn chặn.
Nghiêm trọng là tình trạng xã hội đen dẫn hàng trăm xe qua trạm cân trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Xe quá tải cày nát những phần hạ tầng, khống chế bảo vệ công trường và nhân viên vận hành tuyến. Đây là một trong những tác nhân trực tiếp gây hư hỏng, bong bật các lớp cấp phối đá dăm, bê tông nhựa đang thi công hoặc mới thi công đang trong giai đoạn bảo dưỡng, các bản mặt cầu, khe co giãn mới thi công xong cũng như gây nguy cơ lún vệt hằn bánh xe...
Bộ trưởng Thăng gay gắt rằng, cần phải có các giải pháp mạnh tay để chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe, trong chú trọng đến vấn đề con người, cụ thể là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại các trạm cân, tránh gây “xói mòn” lòng tin của nhân dân.
Thực tế cho thấy, tiêu cực trong việc kiểm soát tải trọng xe thời gian qua là quá rõ ràng khi cảnh sát giao thông thấy xe vi phạm nhưng không dừng xe để kiểm tra hoặc cố tình làm ngơ. Không những thế, tại một số địa phương việc xử lý xe quá tải chưa nghiêm, còn “lừng khừng”. Rồi cả việc lực lượng cảnh sát giao thông thấy xe vi phạm nhưng không dừng xe để kiểm tra hoặc cố tình làm ngơ, thậm chí hiện tượng xử lý “mồi” cũng đang diễn ra phổ biến (cả đoàn xe nhưng chỉ dừng kiểm tra 2-3 xe chạy đầu tiên không vi phạm, những xe còn lại vi phạm tải trọng thì cho qua).
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian các trạm cân phải hoạt động là 24/24 giờ nhưng thời gian hoạt động của trạm cân ở một số tỉnh rất thấp. Như ở Lạng Sơn thời gian trạm cân hoạt động chỉ 2,26%, Cao Bằng là 5,41%, Thái Nguyên là 6,01%, Tây Ninh là 18,11%... Thế mới có chuyện, cả vài trăm xe quá tải rồng rắn đỗ ban ngày, nhưng ban đêm “bốc hơi” hết.
Nhưng thật tiếc, lại có ý kiến thể hiện sự không đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi lập luận rằng: “Thế nào là xã hội đen? Điều này chỉ là nói mồm. Xã hội đen là khống chế hoàn toàn chính quyền địa phương hoặc một đơn vị nào đó. Xã hội đen là tập thể và phải có tổ chức, một đối tượng không thể gọi là xã hội đen được mà chỉ là cò mồi”.
Phát biểu trên khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi, tại sao một chủ trương lớn được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng tình ủng hộ, mà vẫn có ý kiến thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân ngay trong các cơ quan thực thi pháp luật?