Không cần tìm kiếm đâu xa, mỗi ngày lướt Facebook hay các trang mạng xã hội, thậm chí là tin nhắn vào điện thoại di động… nhiều người có thể tìm thấy các thông tin mời chào “hợp tác làm việc” hoặc cần tuyển dụng lao động với mức lương rất hấp dẫn, từ 1.000 - 2.000 USD/tháng mà yêu cầu chỉ cần biết sử dụng máy tính, mạng xã hội…
Mức lương hấp dẫn, cộng với mô tả công việc nghe rất nhẹ nhàng đã khiến nhiều người nhanh chóng liên hệ và gật đầu ngay dù… chưa biết họ giao việc gì và thậm chí là ở đâu.
Vụ việc 40 người trốn khỏi một sòng bài ở Campuchia và nhảy xuống sông bơi về Việt Nam mới đây là một minh chứng điển hình. Theo đó, vào ngày 18/8 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã bắt giữ 40 người nhập cảnh trái phép. Theo lời kể của những người bị bắt, có 42 người đã bỏ trốn khỏi một casino thuộc ấp Chrey Thum (xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) và nhảy xuống sông Bình Di để bơi về nước. Tuy nhiên, một người bị nước cuốn mất tích và một người đã bị casino bắt lại.
Trước đó, mạng xã hội cũng đã chia sẻ rất nhiều trường hợp cha mẹ, người thân nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm con “mất tích” sau khi tin lời “ai đó” dụ dỗ trên mạng. Nhiều trường hợp “mất tích” sau đó được phát hiện bị “bán” sang Campuchia để làm việc trong các casino hoặc các dịch vụ giải trí khác.
Theo Bộ Công an, nhiều người đã bị lừa sang Campuchia để bán cho các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo, bị bóc lột sức lao động... Nạn nhân chủ yếu từ 18 - 35 tuổi, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội. Sau khi qua Campuchia, họ phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12 - 16 tiếng/ngày, bị giao khoán định mức kiếm tiền và không cho ra khỏi cơ sở. Trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Người nào muốn về nước phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD/người.
Không có việc làm nào “việc nhẹ lương cao” như nhiều người lầm tưởng, mà nó chỉ là “cái bẫy” do những đối tượng trong nước móc nối với bên ngoài giăng sẵn để dụ dỗ những “con mồi” nhẹ dạ cả tin. Bởi vậy, người được các đối tượng này nhắm đến là thanh niên, độ tuổi còn rất trẻ, non kinh nghiệm và đang cần việc làm để kiếm tiền; nhất là thanh niên ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa. Thậm chí, nhiều trường hợp ở tỉnh đã được các đối tượng dụ dỗ, hứa đưa về TP Hồ Chí Minh làm việc với mức lương cao, nhưng sau đó họ đã bị đưa vào đường dây “xuất lậu” sang Campuchia để vào các “lò” làm việc.
Hệ luỵ của việc chấp nhận đi làm “việc nhẹ lương cao” này là tiền lương đâu không thấy, chỉ thấy bị đánh đập, không có lương, làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm và thậm chí là phải bỏ mạng nơi xứ người mà không ai biết đến. Nếu ai may mắn liên hệ được gia đình nhờ chuộc về, thì khoản tiền chuộc sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình khi lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình để có tiền chuộc con về đã phải bán hết ruộng vườn, nhà cửa… để rồi sau đó lại trắng tay.
Cảnh giác trước các lời mời gọi ngon ngọt, thậm chí là được tạm ứng trước một số tiền khá lớn để đi lao động, nhất là đi lao động “chui”, đều không bao giờ thừa. Tìm kiếm việc làm, đó là nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng để tìm đúng việc thì người tìm việc cần có những am hiểu nhất định. Nếu có nhu cầu lao động, nhất là với những lời mời chào ra nước ngoài làm việc, người lao động cần phải tìm hiểu kỹ càng về công ty, cá nhân người giới thiệu xem có uy tín hay không; đồng thời cần tìm hiểu kỹ về điểm đến, công việc phải làm và cả công ty mà mình vào làm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân cần cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch… Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen… Bởi, đây là những thủ đoạn của tội phạm buôn bán người ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động hoặc để cưỡng ép kết hôn, khai thác tình dục, sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh…
Khi phát hiện thông tin về nhóm kẻ gian, nghi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho gia đình và công an nơi gần nhất để được sự hỗ trợ.
Ngoài sự cảnh giác của người dân, cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt vào cuộc xử lý những thông tin mồi chài xuất khẩu lao động qua các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn rác…; đồng thời cần bóc tách, cắt đứt các đường dây chiêu dụ, dẫn dắt người lao động ra nước ngoài làm việc “chui”, bởi đây cũng là hình thức “bán” người lao động.
“Tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người, đừng ham và tin vào việc nhẹ lương cao. Chẳng có việc nhẹ đâu, nặng đầu lắm và khi làm không được, bạn sẽ bị bán, bán từ công ty này sang công ty khác và chỗ nào cũng bị đánh đập dã man…”, một nạn nhân vừa được “giải cứu” về từ Campuchia nhắn nhủ!.