Ngày ra đời của Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) – 14/12 được coi là cột mốc đáng nhớ của bóng đá Việt Nam. Nhiều người gọi đây là ngày lịch sử, bởi từ mùa giải 2012, VPF sẽ thay thế VFF tổ chức và điều hành 3 giải đấu đỉnh cao của bóng đá Việt Nam là V.League, cúp Quốc gia và giải hạng Nhất... Những gì mà VPF hứa hẹn còn phải chờ đợi, nhưng việc khai sinh ra VPF vẫn đáng được coi là bước ngoặt quan trọng của bóng đá nước nhà.
Hy vọng cũng nhiều, nhưng thách thức cũng không phải là ít khi mà VPF tiếp quản một nền bóng đá trải qua một thời gian dài vận hành bởi cách quản lý có quá nhiều bất cập, từ đào tạo, điều hành các giải đấu, quy định sử dụng cầu thủ ngoại, quy chế chuyển nhượng, đến định hướng phát triển nền bóng đá chuyên nghiệp… Đã 11 mùa giải chuyên nghiệp trôi qua, chưa bao giờ các nhà tổ chức tạo dựng được sự tin tưởng tuyệt đối từ người hâm mộ, khi mùa giải nào cũng xuất hiện những trận đấu thắng - thua bất bình thường, hoặc những biểu hiện không trong sáng về mặt đạo đức từ các ông “vua sân cỏ”.
Vẫn biết rằng, để tạo sự thay đổi căn bản của bóng đá Việt Nam không thể đòi hỏi ngày một, ngày hai, mà phải cả một quá trình.
Điều mà người hâm mộ quan tâm bấy lâu là tương lai bóng đá nước nhà sẽ đi đến đâu khi mà tài năng trẻ đang ngày một cạn, mà nguyên nhân là do công tác đào tạo trong một thời gian dài không được đầu tư thỏa đáng. Câu hỏi đó phần nào được giải đáp qua các quyết sách của VPF thể hiện trong Quy chế chuyên nghiệp năm 2012. Trong đó, điểm rất mới của quy chế này là sự ràng buộc trách nhiệm đào tạo bóng đá trẻ đối với các câu lạc bộ. Cụ thể, các câu lạc bộ phải có trung tâm đào tạo với 5 lứa tuổi và từ mùa giải 2013, bắt buộc mỗi câu lạc bộ phải có đại diện tham gia 3 trong số 4 giải trẻ do VPF tổ chức. Quy chế cũng yêu cầu mỗi câu lạc bộ phải đăng ký tối thiểu 3 cầu thủ U21 và phải đưa vào danh sách thi đấu ít nhất là 2 cầu thủ trong các trận đấu kể từ mùa giải 2013. Cũng từ mùa giải 2013, ở giải hạng Nhất sẽ không sử dụng ngoại binh, trong khi V-League cũng hạn chế ngoại binh từ đăng ký 4 xuống còn 3 và số cầu thủ ngoại thi đấu trên sân chỉ còn 2 (thay vì 3 như trước đây).
Những quy định này sẽ dẹp bỏ xu hướng đầu tư bóng đá theo kiểu ăn xổi của một số ông bầu, cũng là sự cảnh báo đối với những ai muốn đánh bóng tên tuổi hoặc muốn "lướt sóng" trong hoạt động đầu tư bóng đá.
Yến Nhi