Yêu nước, phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép là chính đáng, tuy nhiên cần chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật… Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước tình hình một số người manh động, phá hoại cơ sở sản xuất tại một số khu công nghiệp, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tạo mọi thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, doanh nghiệp và cơ quan nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố: "Các hành động phá hoại tài sản là do một số đối tượng kích động. Các hành động đó bị Nhà nước và tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam lên án...". Vấn đề được quan tâm lúc này là tuyên truyền, vận động nhân dân biểu thị lòng yêu nước một cách hòa bình, văn minh, với tinh thần chính nghĩa, không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết, góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của Nhà nước ta và luật pháp quốc tế.
Cần phải nhận thức rằng, nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng lẽ phải trên thế giới hết sức phẫn nộ trước hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981, đưa số lượng lớn tàu quân sự, máy bay uy hiếp, tấn công ngư dân và các lực lượng chức năng của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Cũng dễ hiểu khi những ngày qua, người dân trong và ngoài nước với lòng yêu nước nồng nàn đã tập hợp lại, biểu thị thái độ kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc; đoàn kết một lòng, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ kiên quyết đấu tranh đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đó là những việc làm cần thiết và rất đáng trân trọng.
Nhưng thật tiếc, trong những cuộc xuống đường của hàng nghìn công nhân, người lao động ở một số khu công nghiệp đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục đốt nhà xưởng, đập phá tài sản của công ty, hành hung người lao động nước ngoài, khiến tình hình an ninh trật tự an ninh địa bàn trở nên hỗn loạn, đặc biệt tại Bình Dương và khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Theo thông báo mới nhất, đã có hơn 400 người đập phá trong cuộc biểu tình tại Bình Dương đã bị bắt. Tại Hà Tĩnh vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ cũng đã được khởi tố, hàng chục người bị tạm giữ.
Đây rõ ràng là hành động quá khích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật nước ta. Hành động đáng phê phán trên quyết không phải xuất phát từ những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, yêu nước chân chính. Thực chất, hành động quá khích đó đã bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện những âm mưu thâm độc phá hoại lợi ích quốc gia.
Nhìn lại lịch sử các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, dù ở bất kỳ thời đại nào, đều là cuộc đấu tranh chính nghĩa, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chính là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Truyền thống ấy luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta gìn giữ, phát huy trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Không những thế, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam luôn luôn là biểu tượng của hòa bình, của khát vọng độc lập, tự do, của lòng nhân ái, khoan dung. Chúng ta luôn biết cách thể hiện lòng yêu nước phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo lý của người Việt Nam. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, cả dân tộc cùng sát cánh kiên quyết bảo vệ, nhưng không phải cứ đập phá, hô hét thật to mới là yêu nước, mới là đấu tranh. Chúng ta phải đấu tranh với tư thế của người có chính nghĩa, có văn hóa, được kết tinh từ hàng ngàn năm đánh giặc, giữ nước; có tinh thần đại nghĩa của dòng máu Lạc - Hồng và tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, dư luận cả trong và ngoài nước đều hiểu rõ nó xuất phát từ những toan tính của một số người có trách nhiệm của Trung Quốc. Do vậy, không thể đánh đồng giữa những người lao động, doanh nhân người Trung Quốc với những người ra lệnh xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Những người lao động, các nhà đầu tư chân chính của Trung Quốc cũng như doanh nhân Việt Nam đều mong muốn có một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, ổn định, không chỉ để làm giàu cho họ, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển, người lao động Việt Nam có việc làm. Vì vậy, những hành động làm phương hại đến các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ là cách ứng xử thiếu công bằng, mà còn gây thiệt hại cho môi trường đầu tư, phát triển kinh tế.
Một Việt Nam thanh bình, yêu chuộng hòa bình luôn nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, luôn là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc. Vì vậy, mỗi người Việt Nam yêu nước chân chính cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không làm phương hại đến lợi ích dân tộc. Đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền phải dựa vào ngọn cờ chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, tinh thần thượng tôn pháp luật, ở nền tảng văn hóa bốn nghìn năm của dân tộc.
Yến Nhi