Cách nay hơn 1 tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - khi chủ trì cuộc họp về tình hình giá cả và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2019 với các bộ, ngành liên quan đã bày tỏ lo ngại trước khả năng thiếu tới 200.000 tấn thịt lợn vào thời điểm cuối năm. Phó Thủ tướng nói: “Có ai đi gói bánh chưng bằng thịt gà và thịt dê đâu”.
Vậy nhưng khả năng bánh chưng nhân thịt gà, bánh chưng nhân cá (hồi), bánh chưng nhân chay, thậm chí không nhân rất có thể sẽ là hiện thực. Nếu tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, thì từ cuối tháng 10 đến nay giá đã tăng mạnh, thịt lợn thành phẩm leo lên mức 160.000 – 200.000 đồng/kg, sườn non có thời điểm 240.000 đồng, và không có dấu hiệu dừng lại. Ngay cả những tiểu thương trong các chợ cóc cũng phải hoang mang, vì thịt mỗi ngày một giá. Giá thịt lợn tăng kéo theo giá của các thực phẩm, đồ ăn có dùng thịt lợn lên theo. Giá gà, bò cũng rục rịch tăng. Trong khi thịt lợn chiếm tới 70% nhu cầu tiêu dùng, thì việc tăng giá chóng mặt này thực sự khiến người tiêu dùng lao đao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó cơ bản là “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi quét qua khiến số lượng lớn đàn lợn bị tiêu hủy và khả năng tái đàn rất khó khăn, nhất là khi dịch chưa được khống chế và vắc xin chưa có. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế luân chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trong bối cảnh dịch, lợn giống tăng giá cùng các chi phí phòng dịch, kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh cũng tăng cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh thịt lợn tăng. Một nguyên nhân nữa mang tính quy luật, là nhu cầu tiêu dùng thịt lợn cuối năm của người Việt, đồng thời có khả năng một bộ phận người chăn nuôi, nhà sản xuất “găm hàng” chờ giá lên cao nữa.
Và không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng “phi mã” của giá thịt lợn hiên nay. Đó là sự thiếu thống nhất là hiệu quả trong điều hành vĩ mô của các bộ ngành liên quan, mà trực tiếp là hai bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – hai bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho người dân. Cả hai bộ dù đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhưng vẫn không dự báo chính xác được lượng thiếu hụt để kịp thời có giải pháp hiệu quả. Thậm chí, có những giai đoạn, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” , mỗi bộ một ý kiến và quan điểm, còn khi cần đưa ra các giải pháp rốt ráo (ví dụ dự trữ thịt đông lạnh) thì lại không đủ quyết liệt để triển khai bởi chưa có giải pháp gì đảm bảo cho doanh nghiệp dám “liều mình” trữ thịt.
Diễn biến trong tuần gần nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bị Phó Thủ tướng phê bình vì “chậm báo cáo, thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao” liên quan tới tình trạng thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao. Có thể nói giữa lúc các cơ quan hữu quan mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa đưa ra được các giải pháp quyết liệt và rõ ràng nhằm thay đổi tình hình, thì lời phê bình thẳng thắn có tác dụng quan trọng, xác định rõ trách nhiệm của những thành phần liên quan. Hiệu ứng tức thì là ngay lập tức, cùng với việc giải trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cấp thiết đưa ra các chỉ đạo với hy vọng nhanh chóng ổn định thị trường thịt lợn.
Tới thời điểm này, khi Tết âm lịch chỉ còn tính theo tuần, thì nhiều ý kiến lo ngại rằng những nỗ lực trên chưa chắc đã xoay chuyển được tình hình, cho dù có thể sẽ có những chuyển biến tích cực trong một ngưỡng nhỏ. Lý do là không phải khi nào thị trường cũng tuân thủ theo ý chí chủ quan mang tính “cấp cứu”; trong khi theo quy luật thì thời gian cận tết vẫn là giai đoạn cao điểm của nhu cầu về thịt lợn. Chỉ có thể hy vọng một điều là độ trễ của các chỉ đạo này sẽ ngắn lại, để ngay trong những tháng đầu năm mới, thị trường thịt lợn trở lại ổn định.
Còn trước mắt, dù bánh chưng có nhân nhị ra sao, người tiêu dùng và các doanh nghiệp có lẽ cũng đành phải chấp nhận và tự khắc phục bằng việc thay đổi thói quen tiêu dùng, chờ khi giá cả trở về đúng ngưỡng. Và cũng rất hy vọng những chiếc bánh chưng “nhân lạ” năm nay sẽ là bài học được khắc ghi với không chỉ một, hai bộ ngành liên quan tới thị trường thịt lợn. Mọi bộ ngành, địa phương, tổ chức thành phần, cá nhân cần thực sự nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong mọi công việc phải đảm trách, luôn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tế đời sống của người dân; kịp thời dự báo chính xác tình hình, đưa ra các giải pháp khả thi, phù hợp, hiệu quả, và quan trọng là quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai.
Phải thực sự xem miếng bánh chưng trong mỗi gia đình người dân là miếng bánh trên mâm cỗ tết của cá nhân, tổ chức mình thì mới không có cảnh lợn đã mất sạch rồi mới loay hoay lo đi làm chuồng, cho dù là làm một cách tích cực.